aA

Y tế 11:03, 08/12/2020 GMT+7

Dân số và sức khỏe

Mang niềm tin đến bệnh nhân AIDS

Lệ Quyên
Thứ 3, 08/12/2020 | 11:03:00 855 lượt xem
BPO - Kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu ở Việt Nam vào năm 1990, đến nay, nước ta đã có 30 năm ứng phó với bệnh HIV/AIDS. Đó cũng là lý do tháng hành động năm nay tập trung vào chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Mặc dù chưa có vắc-xin phòng ngừa, chưa có thuốc đặc trị căn bệnh HIV/AIDS, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn có thể sống rất lâu khi họ có lối sống lành mạnh và được điều trị bằng thuốc ARV, nhất là được đối xử như một người bệnh bình thường. Hiện Bệnh viện Nhân Ái thuộc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) là chốn bình yên của hàng trăm bệnh nhân AIDS.

Phút thư giãn của các bệnh nhân bên hành lang bệnh viện - Ảnh: Phạm Tăng

Hạnh phúc vì thấy bệnh nhân cười

Đã gần 15 năm chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân AIDS, bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Săn sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc với nghề. Trong đó, vui vì nhiều bệnh nhân vẫn khỏe mạnh, hợp tác điều trị, sống lạc quan, tích cực. Buồn vì xã hội vẫn còn thái độ kỳ thị, khiến bệnh nhân mất đi chỗ dựa tinh thần, điều này vô tình đẩy bệnh nhân đến cái chết sớm hoặc làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Bác sĩ Tuyên cho biết: Đối với bệnh nhân AIDS, họ có thể cười tươi vào buổi sáng, nhưng cũng có thể vĩnh biệt thế gian vào buổi tối. Thế nên, các y, bác sĩ ở đây đều tâm niệm: “Còn nước còn tát”, làm được điều gì cho bệnh nhân sẽ cố gắng hết sức thực hiện. Họ được cứu sống. Đó là niềm hạnh phúc, là món quà lớn nhất với chúng tôi.

Bệnh viện Nhân Ái hiện là chốn đi về của trên 400 bệnh nhân AIDS. Đa số bệnh nhân ban đầu đến bệnh viện mang tâm lý chán chường, không muốn sống, nhất là những người bị xa lánh, bị bỏ rơi. Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn, tình thương, sự quan tâm của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và sự giúp đỡ, sẻ chia của những người đồng cảnh ngộ đã giúp họ dần lấy lại tinh thần, nỗ lực vươn lên sống vui vẻ, hợp tác điều trị bệnh. Đặc biệt ở đây, phong trào văn hóa - văn nghệ rất sôi nổi, giúp các bệnh nhân giao lưu, giải tỏa những u buồn. 

Bệnh nhân S rất phấn khởi khi tôi đề nghị hát tặng một bài. Anh hát say sưa, gửi hết tâm trạng của mình vào bài hát. Anh cho biết, Bệnh viện Nhân Ái như mái nhà của anh và những người cùng cảnh ngộ. 7 năm ở đây, anh nhận ra nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống, trong đó tình người lúc nào cũng đong đầy.

Hãy cho bệnh nhân điểm tựa

Trên thực tế, bệnh nhân AIDS nếu không có niềm lạc quan rất dễ rơi vào trạng thái buồn, tuyệt vọng, cô đơn. Điều đó đồng nghĩa sự sống của họ sẽ bị rút ngắn. Vì vậy, những người làm việc ở bệnh viện luôn xác định vừa là thầy thuốc, vừa trong vai người thân để động viên tinh thần, giúp bệnh nhân tất cả những gì có thể. Bác sĩ Nguyễn Đức Long, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: Điều chúng tôi tâm đắc nhất trong 15 năm kể từ khi thành lập bệnh viện đến nay, đó là tinh thần hết lòng vì bệnh nhân của các cán bộ, y, bác sĩ, giúp bệnh nhân kéo dài sự sống, lạc quan yêu đời và góp phần kéo giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Bác sĩ Long mong muốn cộng đồng quan tâm, chia sẻ nhiều hơn với bệnh nhân nhiễm HIV, để họ có điểm tựa, niềm tin vượt qua bệnh tật. Đó cũng là biện pháp hữu hiệu để chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam.

Bệnh viện Nhân Ái hiện có gần 300 cán bộ, y, bác sĩ. Họ là những người đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân. Thực tế trong 15 năm hoạt động, đã có gần 30 y, bác sĩ bị phơi nhiễm HIV, trong đó có người vừa chớm mang thai phải hy sinh núm ruột của mình. Cũng vì công việc đặc thù mà ở bệnh viện này, nhiều cặp đôi cán bộ, viên chức phát triển thành gia đình nhỏ. Họ hiểu công việc của nhau và đồng lòng ngày đêm hướng về người bệnh. Điều đáng quan tâm là trong khi nhiều người chọn cho mình một công việc an nhàn, tiện lợi ở trung tâm, thì vẫn có những người dấn thân vào nơi khó khăn, vất vả, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao như bác sĩ trẻ NRòng K’Duy Py (quê Lâm Đồng). Anh cho biết: Xác định đã làm bác sĩ là phục vụ bệnh nhân. Vậy thì làm ở đâu cũng là chăm sóc người bệnh, làm điều có ích cho cuộc đời. Đó chính là lý do tôi chọn nơi này để công tác. Khi về đây, tôi thấy sự lựa chọn của mình là đúng.

Không chỉ quan tâm chăm sóc bệnh nhân, bệnh viện còn chu toàn luôn việc tang lễ, khói hương cho người bệnh không có người thân nhận về sau khi qua đời. Tro cốt họ vẫn được chăm sóc như ước nguyện của họ trước lúc ra đi.

Chia tay bệnh nhân và những người nhiều năm gắn bó với nhiệm vụ đặc thù ở Bệnh viện Nhân Ái, tôi bỗng nhớ đến ca từ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng…”. Một tấm lòng không phải để mong được người khác ghi nhận, không phải để mong được trả ơn mà để “gió cuốn đi”.

  • Từ khóa
112851

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu