aA

Điều giản dị


Cây rơm của mẹ

8:37:58 - 4/12/2021

Nếu xuất thân từ nông thôn, hẳn không ai lạ gì hình ảnh cây rơm trong vườn nhà. Sau mỗi vụ gặt, nhìn cây rơm là người ta sẽ biết được mùa hay mất mùa. Nếu được mùa, bông lúa sẽ to, cọng rơm sẽ nhỏ, sẽ mềm, vàng óng và ngược lại, nếu mất mùa, cây lúa có nhiều lá nhưng bông thì bé xíu, thành ra cọng rơm vừa to vừa cứng.

Ngày mùa ở thôn quê, rơm vương vãi từ ngoài đồng về làng. Vì vuông sân nhỏ phải để phơi lúa, phơi bắp nên trên các con đường, trên bờ sông, rơm ngập lối đi. Thật khổ cho những ai dắt xe đạp đi trên con đường phơi rơm, vì những sợi rơm sẽ quấn chặt vào líp xe, khiến bánh xe cứng đơ không thể nào dắt nổi, đành dựng xe, quay ngược vòng bánh để gỡ từng sợi rơm ra. 

Thích nhất là những ngày mẹ lèn cây rơm. Sau mỗi đợt gặt, thường thì vài sào mẹ mới lèn rơm một lần. Rơm khô vàng óng được dồn về đầy cả sân, mấy chị em tha hồ nhảy tưng tưng và lăn lộn trên thảm rơm mềm mại. Từng đụn rơm khô được buộc chặt bằng những sợi dây thừng. Mẹ bắc thang trèo lên cây rơm. Cha đứng dưới dất, dùng gậy móc vào những bó rơm đưa lên cho mẹ. Bó rơm được dàn đều xung quanh và được lèn thật chặt, thật đều. Nếu lèn không chặt, không đều, chỉ sau vài trận mưa dầm, nước mưa sẽ ngấm vào một góc và cả cây rơm sẽ bị ải mục. Giống như hình quả chuông, càng lên cao, cây rơm càng nhỏ lại. Sau cùng, mẹ buộc lên nóc cây rơm một mảnh ni-lon để nước mưa không chảy dọc thân cây cột làm ướt rơm. 

Ở làng quê, rơm thật quan trọng. Không chỉ làm thức ăn cho trâu bò, rơm còn được băm nhỏ, nhào với bùn để làm hồ trát vách bếp, chuồng trâu bò. Và ở làng quê, rơm là chất đốt quan trọng không có gì thay thế được. Nấu cơm bằng rơm rạ, đương nhiên là ngon hơn rất nhiều so với nấu bằng than đá hoặc bếp ga, bởi nấu bằng rơm thì có thể cho lửa to, nhỏ phù hợp với lúc cơm sôi hay cơm cạn. Khi nồi cơm cạn, khoanh một vành rơm cho chặt đặt trên vung xong rồi đốt, bảo đảm từng hạt cơm sẽ chín đều, dẻo thơm và ngọt lịm. Vào những đêm đông rét mướt, những con cúi bằng rơm được mẹ chuẩn bị từ chiều, chập tối là nhóm lửa để sưởi ấm và hun muỗi cho trâu bò. Mùi khói rơm rạ quyện với mùi phân trâu bò, mùi bùn đất không thể gọi tên cụ thể là mùi gì. Chỉ có thể gọi đó là mùi ruộng vườn, mùi của quê hương! 

Bây giờ ở nông thôn không còn những cây rơm như thế nữa. Diện tích trồng lúa đã bị thu hẹp rất nhiều do con người sinh sôi rồi san hộ; phần vì các nhà máy, xí nghiệp lấn chỗ của cây lúa. Vả lại, đất nông thôn giờ cũng chật hẹp, đâu còn chỗ để “trồng” cây rơm. Nhà nông bây giờ cũng dùng bếp ga, nhà nào không có bếp ga thì dùng than. Thành ra, rơm trở thành của hiếm. Bây giờ đi khắp xóm cũng không xin được ít rơm để lót ổ gà. Và vì là của hiếm nên rơm được xuất ra thành thị. Đó đây, những nhà hàng tên tuổi thu hút khách bằng cách quảng cáo có món “độc” cá lăng, cá lóc nướng trui bằng rơm. Và không biết có thật người ta nướng cá bằng rơm hay không, nhưng những thực khách sành ăn thì nườm nượp tìm đến. 

Có lẽ đó là cách để người ta thể hiện nỗi nhớ làng quê!

Thảo Linh

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT


  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu