aA

Chính trị 10:17, 04/11/2020 GMT+7

Cần triển khai kiểm tra, giám sát hoạt động xã hội hóa trong các cơ sở giáo dục

Thứ 4, 04/11/2020 | 10:17:13 483 lượt xem
BPO - Hôm nay 4-11, Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Trong phiên thảo luận sáng nay và trước đó vào ngày hôm qua nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực được các đại biểu tập trung cho ý kiến.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV

Đại biểu Phan Viết Lượng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức đúng tầm quan trọng và luôn quan tâm, chăm lo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực qua đào tạo. Tuy nhiên, nhân lực qua đào tạo hiện nay chất lượng còn thấp, cơ cấu chưa hợp lý, phần lớn thiếu kỹ năng làm việc, thiếu lao động tay nghề cao trong nhiều ngành, lĩnh vực, kể cả các ngành, lĩnh vực có tính nền tảng, là động lực phát triển kinh tế. 

Trong khi đó, việc đào tạo chưa sát thị trường; số người thất nghiệp có trình độ đại học, sinh viên ra trường làm việc không đúng với ngành đã được đào tạo còn cao; ngân sách nhà nước chi cho giáo dục nghề nghiệp, đào tạo cao đẳng, đại học còn thấp. Người học đại học ở nước ta dù thu nhập thấp nhưng phải trả chi phí còn cao. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng thực hiện chưa thực sự tốt vai trò định hướng, điều tiết, kiểm soát trong các khâu của quá trình đào tạo. 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, năng suất lao động của nước ta còn thấp, thua xa rất nhiều quốc gia. Để vượt qua thách thức tụt hậu xa về kinh tế, rất cần có các giải pháp đột phá, trong đó có giải pháp về nguồn nhân lực qua đào tạo. Đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, từng vùng và địa phương. 

Đại biểu Phan Viết Lượng nhấn mạnh: “Chính phủ cũng cần thực hiện tốt hơn cơ chế, chính sách thúc đẩy việc định hướng, phân luồng, đào tạo nghề cho học sinh sau bậc trung học; tăng cường năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình, nâng cao chất lượng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; đổi mới mạnh mẽ việc phân bổ dự toán chi cho đào tạo, dạy nghề theo hướng tăng đầu tư, khắc phục cấp phát ngân sách theo bình quân, tiến hành giao kinh phí theo số lượng, chất lượng dịch vụ theo kết quả đầu ra, đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho các ngành nghề mà nền kinh tế có nhu cầu cao như logistics, điện tử, công nghệ mới, tự động hóa, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo...”.

Cũng theo đại biểu Phan Viết Lượng, Chính phủ cần có cơ chế huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nhân lực, giảm chi phí cho người học. Mặt khác tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trục lợi trong đào tạo; khắc phục tình trạng đào tạo không đảm bảo chất lượng, đào tạo không xuất phát từ nhu cầu thị trường lao động, không vì quyền lợi của người học.

Đại biểu Phan Viết Lượng đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Để đạt kết quả thực sự và ý nghĩa của việc xã hội hóa dịch vụ công trong giáo dục, y tế, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về mô hình tổ chức, hoạt động, về đầu tư, đấu thầu, tự chủ, liên doanh, liên kết. 

Đồng thời triển khai rà soát, xác định cụ thể, đầy đủ các nhiệm vụ cần thiết bắt buộc Nhà nước phải thực hiện, phải đầu tư nhiều hơn, như giáo dục bắt buộc, đào tạo lao động các ngành nghề đặc biệt cần cho phát triển kinh tế - xã hội mà thị trường không thể đáp ứng, cung cấp dịch vụ công ở vùng sâu, vùng xa. 

Ngoài ra cần xác định cụ thể, rõ ràng các nhiệm vụ, điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa các nhiệm vụ mà Nhà nước không cần thiết thực hiện, có khả năng xã hội hóa cao. Thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng xã hội hóa làm tăng giá dịch vụ mà không quan tâm tăng chất lượng; phòng, chống tiêu cực, độc quyền, “doanh nghiệp sân sau”…

Đại biểu Phan Viết Lượng cũng đề nghị cần triển khai kiểm tra, giám sát các hoạt động xã hội hóa được dư luận quan tâm, như: việc huy động đóng góp trong các cơ sở giáo dục ở địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa; việc chi trả dịch vụ chữa bệnh đối với người nghèo, người có công và việc mua sắm thiết bị, liên doanh, liên kết sử dụng tài sản công trong ngành y tế để khắc phục hạn chế, phòng ngừa lạm dụng xã hội hóa để trục lợi bất chính, xâm hại lợi ích hợp pháp của nhân dân. 

“Những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra nêu trên không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội mà còn liên quan đến trách nhiệm, năng lực chỉ đạo, quản lý, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Do đó đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo rà soát, có kế hoạch khắc phục với lộ trình, biện pháp cụ thể, với tinh thần quyết tâm phấn đấu đạt kết quả thiết thực trong thời gian sớm nhất”, đại biểu Phan Viết Lượng nhấn mạnh.

Trần Thể


  • Từ khóa
112165

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu