aA

Chính trị 04:27, 18/06/2024 GMT+7

KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2024)

Nhà báo Hoàng Lâm - Người trong cõi nhớ!

Linh Tâm
Thứ 3, 18/06/2024 | 04:27:45 971 lượt xem
BPO - Tôi đành mượn tên vở diễn đoạt huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 của nhà báo, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ để đặt tên cho bài viết này. Trong tác phẩm của mình, Lưu Quang Vũ đã thể hiện quan niệm của ông về sự sống - chết. Theo đó, ngoài cõi sống và cõi chết, con người còn tồn tại trong một cõi khác. Đó là cõi của những người sống mãi trong trí nhớ của người khác. Nhà báo Hoàng Lâm là một trong số ít người dẫu đã về với “thế giới người hiền” nhưng vẫn sống trong cõi nhớ của nhiều người, không bị lãng quên.

Bài 1:
MỘT PHONG CÁCH LÀM BÁO ĐẶC BIỆT

Khi tôi chập chững những bước đầu tiên vào nghề viết ở tòa soạn Báo Thanh Hóa thì nhà báo Hoàng Lâm đã có hơn mười năm tuổi nghề và chuyển công tác vào Báo Sông Bé, nhưng tên tuổi anh vẫn ở lại trong rất nhiều câu chuyện vui của những đồng nghiệp lớn tuổi. Chưa một lần gặp, nhưng qua những câu chuyện lúc “trà dư tửu hậu” ở Báo Thanh Hóa - nơi tôi vừa đầu quân, tôi hình dung anh là một người táo tợn, ăn nói bạt mạng và rất giỏi nghề.

- Chứ còn gì nữa! - nhà báo Trần Hiệp, Trưởng ban Kinh tế - Công nghiệp, sếp trực tiếp của tôi kể:

- Ngày ấy, Báo Thanh Hóa có 5 ban. Ở tuổi 31, hắn là trưởng ban trẻ nhất nên “mất dạy” lắm! Mỗi lần giao ban, các bậc trưởng lão kính trắng lấp lóa chăm chú ghi chép và phát biểu ý kiến xây dựng cơ quan, còn hắn cứ ngất nga ngất ngưởng, đi họp chẳng bao giờ mang sổ, Tổng Biên tập không hỏi đến thì ngồi im như thóc, nhưng đã hỏi thì hắn “phang” trúng mạch nên kết luận của sếp thường thiên về ý kiến của hắn.

Chiêu một ngụm trà, ông Trần Hiệp hào hứng kể tiếp:

- Hồi ấy còn chế độ bao cấp. Hoàng Lâm ở trong khu tập thể cơ quan báo và giới văn nghệ sĩ trong tỉnh thì coi cái phòng tập thể của Hoàng Lâm như một câu lạc bộ sáng tác. Nhiều đêm khuya khoắt, khu tập thể vẫn ồn ào tiếng nói cười, hò hát của mấy tay nhạc sĩ, họa sĩ. Tổng Biên tập Nguyễn Văn Giá không ngủ được chạy sang quát:

- Thằng Lắm đâu! (tên khai sinh của nhà báo Hoàng Lâm là Nguyễn Trọng Lắm) Chúng mày hò hét thế thì ai ngủ được!

Tức thì, Hoàng Lâm nháy một ông nhạc sĩ rồi cả hai bế bổng ông Tổng Biên tập khênh vào phòng và dúi một cái xoong, một cái thìa vô tay bắt gõ!

Tổng Biên tập Hoàng Lâm (đứng giữa, hàng đầu) chụp ảnh với cán bộ, viên chức, người lao động Báo Bình Phước năm 2000

Mấy anh phóng viên cùng lứa với anh thì kể: Có lần đi thực tế ở một huyện miền núi, đang nghỉ trưa ở phòng phó chủ tịch huyện, cũng là bạn của anh, một thương binh vác cái cùi tay đầy máu xông thẳng vào phòng khi ông phó chủ tịch huyện đang xuống bếp ăn tập thể lấy nước sôi. Chẳng cần biết anh là ai, anh thương binh vừa thở hổn hển vừa “tố” mấy ông cán bộ xã đến nhà thu sản lượng khoán, nhưng thóc không đủ nên tháo cả chiếc giường là tài sản đáng giá nhất của gia đình mang đi và còn đánh anh chảy máu. Vừa lúc ông phó chủ tịch huyện xách bình thủy nước đi vào, Hoàng Lâm nói nhanh:

- Ông kêu lái xe nhanh lên, ta xuống thẳng đó xem sao! Nào, ông lên xe luôn! Hoàng Lâm nắm lấy cái cùi tay đang nhỏ máu của anh thương binh kéo lên xe.

Thấy Hoàng Lâm “lệnh” được cả phó chủ tịch huyện nên khi đã yên vị trên chiếc u-oat, anh thương binh giơ cái cùi tay đang nhiễu máu ra líu ríu với ông “phó”: - Báo cáo bác, lúc nãy em đã thưa với “bác chủ tịch” rồi, họ thu sản nhưng nhà em không đủ thóc nên tháo cả giường mang đi, em giữ lại thì bị “nện” thế này đây!

Nhà báo Hoàng Lâm chia sẻ kinh nghiệm làm báo với cộng tác viên tại hội báo xuân 2010

Gia cảnh người thương binh khiến lòng anh chùng xuống. Một mái tranh xơ xác với chiếc chum mẻ đựng nước, vài dụng cụ lao động và tấm chiếu rách trải trên chiếc giường vừa bị tháo mang đi. Hai giờ sau khi bị thu “sản”, tài sản của người thương binh được trả lại với một cái hẹn “khi nào có thóc thì nộp”. Khi nhà báo Hoàng Lâm và ông phó chủ tịch huyện đã lên xe trở về, người thương binh còn với qua cửa xe nắm chặt lấy bàn tay anh và cứ một mực:

- Đội ơn “bác chủ tịch”!

Phóng sự “Hai giờ làm chủ tịch huyện” của nhà báo Hoàng Lâm ngay sau đó đã gây chấn động không chỉ trong làng báo tỉnh Thanh Hóa lúc ấy. Bởi phía sau những tấm bằng khen, cờ thi đua về nghĩa vụ nộp lương thực của địa phương là những số phận đáng thương và cách hành xử thiếu nhân văn của một số cán bộ cơ sở bị phơi bày. Rồi những chuyện anh đạp xe đến từng thôn, từng xã, ngủ lại trong nhà dân, quên mình là một nhà báo, “cãi tay đôi” với bí thư, chủ tịch xã về những việc họ xâm phạm quyền lợi của người dân, của đảng viên… đã tạo sức nóng cho những bài viết, khiến nhiều cơ sở mến phục và luôn mong chờ anh trở lại. Rồi những trò nghịch ngợm của anh với một số đồng nghiệp cùng lứa ở tòa soạn lại càng “đóng dấu” tên anh ở cái nơi tôi vừa mới đến, khiến những kẻ hậu sinh như tôi một lòng ngưỡng mộ.

Một ngày đầu năm 1997, vừa đi cơ sở về, thấy tòa soạn Báo Thanh Hóa ồn ào, chật ních người với những tiếng nói cười rôm rả. Tôi dựng xe đi vào, thấy một người vừa đen vừa gầy, đôi vai hơi còm, dáng vẻ nông dân, chỉ đôi mắt ánh lên sự thông minh đang là tâm điểm chú ý. Và tôi hết sức ngạc nhiên khi biết đó chính là nhà báo Hoàng Lâm. Xen giữa những câu chuyện phiếm khiến mọi người cười chảy nước mắt, anh rủ:

- Tớ được điều về làm Tổng Biên tập ở tỉnh mới Bình Phước. Cán bộ thiếu lắm, nhà báo lại càng thiếu, “đứa” nào muốn thay đổi môi trường, đi với tớ.

Và tôi có mặt ở Bình Phước!

Thoáng chốc đã 27 năm qua đi, trong đó có 13 năm làm việc trực tiếp dưới quyền Tổng Biên tập Hoàng Lâm đã cho tôi rất nhiều bài học về nghề, về đời và còn cho tôi thấy cả tính cách đặc biệt trong con người anh. Lứa đại học báo chí khóa I của cả nước, dường như rất ít người ở lại tỉnh mà hầu hết làm việc tại các cơ quan Trung ương, nếu không tại các tòa soạn báo lớn thì cũng ở bộ này bộ khác. Riêng Hoàng Lâm vẫn cứ ngất ngưởng, cứ nguyên sơ trong vai một nhà báo tỉnh lẻ. Anh không biết nói dối và khi uống rượu vào lại càng thật, mà lại hay uống mới chết chứ! Nhưng chưa bao giờ anh uống rượu mà nói bậy, làm càn. Uống vài ly, anh nói nhiều và nói càng hay. Vẻ mặt tưng tửng và những câu chuyện phiếm rất “đời” của anh vào những lúc có hơi men khiến người ta cười nôn ruột. Còn khi đề cập đến những chuyện hệ trọng, anh vẫn không làm người nghe căng thẳng bằng một lối dẫn dắt rất riêng. Và tôi biết đó không phải là kỹ năng của anh, giống như kỹ năng truyền đạt của các báo cáo viên trước cử tọa, mà bởi anh đã hòa mình một cách tự nhiên vào mỗi người và mọi người. Cũng thật lạ, Hoàng Lâm có thể đàm đạo cả buổi về những vấn đề Đông - Tây, kim - cổ, về kinh tế - chính trị - nghệ thuật với những người có học vấn uyên thâm, cũng có thể tào lao cả buổi với cô nấu bếp, anh bảo vệ mà vẫn không hề nhạt chuyện.

  • Từ khóa
199098

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu