aA

Thời luận 04:48, 12/06/2024 GMT+7

Nghiệp dư và chuyên nghiệp

Trần Phương
Thứ 4, 12/06/2024 | 04:48:51 1,052 lượt xem
BPO - Đến ngày 11-6, tất cả các tỉnh, thành đã kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tuyển sinh vào các trường THPT chuyên. Sự quan tâm của ngành giáo dục và phụ huynh đã chuyển sang kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học sắp tới.

Với các thầy cô giáo, thời điểm này, một vấn đề khác cũng thu hút sự quan tâm không kém. Đó là ngày 20-5 dự thảo Luật Nhà giáo được Cổng thông tin điện tử Chính phủ chính thức công bố, lấy ý kiến trên phạm vi rộng trong cả nước, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10-2024. Và một trong những vấn đề rất được quan tâm trong dự thảo là quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo.

Chứng chỉ hành nghề nhà giáo sẽ giúp phân biệt người đủ điều kiện dạy học với người không đủ điều kiện dạy học - nhưng tự xưng là nhà giáo đang tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu giáo viên đã được tuyển dụng vào ngành giáo dục. Theo dự thảo luật, những giáo viên này sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo mà không cần đánh giá sát hạch. Giáo viên đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo.

Thực tế đang có rất nhiều người làm ngành nghề khác, cả những người đang “thất nghiệp” (không chính thức làm việc cho một đơn vị nào) cũng đang làm “thầy giáo”, “cô giáo” hằng ngày. Với nhiều người có trình độ tốt về tiếng Anh, Toán, Văn, dù danh nghĩa “thất nghiệp”, nhưng đang dạy các lớp học thêm còn nhiều hơn giáo viên chính thức, nhiều trường hợp còn mang lại thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với giáo viên chính thức.

Ai có con đang tuổi đi học cũng biết, ngoài giờ học chính khóa, hiện nay gần như không học sinh nào không phải đi học thêm, thậm chí đi học thêm ngay từ khi còn học mầm non. Lớp càng lớn càng phải học thêm nhiều. Học thêm ở trường, học thêm ở nhà thầy cô giảng dạy, học thêm ở nhà thầy cô “có tiếng dạy giỏi”, học thêm ở các trung tâm, cơ sở, nhà riêng của người có trình độ. Nhiều nhất là học tiếng Anh, tiếp đến là học Toán, học Văn…

Bài viết này xin không đề cập đến vấn đề học thêm như vậy là khoa học hay không khoa học, nguyên nhân từ đâu, là hay hay dở, cũng như những cuộc tranh luận không có hồi kết của cha mẹ về việc học hay không học thêm của con… Dự thảo Luật Nhà giáo và quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn ở một khía cạnh mới: Hàng chục, có thể là hàng trăm ngàn người không phải là giáo viên nhưng đang giảng dạy và gấp nhiều lần con số đó học sinh đang theo học hiện nay sẽ ra sao?

Vấn đề trở nên khó xử hơn khi các lớp học, khóa học đó không phải là bắt buộc, mà xuất phát từ nhu cầu thực sự của người học. Sẽ không có ai đóng tiền cho con em mình học thêm ở nhà riêng hay qua kênh mạng xã hội nào đó nếu lớp học không hiệu quả, thầy cô dạy dở… Rất đơn giản: Các nhà giáo không chuyên này, phải tham gia dự tuyển để cấp chứng chỉ hành nghề.

Từ lâu, ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứng chỉ hành nghề với nhà giáo là một yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo giáo viên có đủ điều kiện, năng lực, phẩm chất để giảng dạy. Chứng chỉ hành nghề nhà giáo không chỉ là một tờ chứng chỉ, mà còn là thước đo cho thấy nghề giáo đã trở nên chuyên nghiệp.

Dù khá muộn, nhưng quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo sắp thành hiện thực sẽ là một bước tiến quan trọng với ngành giáo dục và cả cộng đồng.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu