aA

Thời luận 04:57, 18/07/2024 GMT+7

Không được bàn lùi

Lâm Phương
Thứ 5, 18/07/2024 | 04:57:10 1,696 lượt xem
BPO - Theo báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024 diễn ra sáng 16-7, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 669,3 ngàn tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan và địa phương, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024 được Quốc hội phân bổ. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm chưa đạt như mong muốn, chỉ bằng 29,39% kế hoạch (khoảng gần 200 ngàn tỷ đồng).

Tại hội nghị, Thủ tướng đã phê bình nghiêm khắc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng giao và 33 bộ, cơ quan, 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước. Đồng thời nhấn mạnh, vốn đầu tư công là tiền của của Nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí.

Theo đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là do còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác chuẩn bị dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư; việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, quản lý vật liệu xây dựng thông thường đối với các dự án đầu tư xây dựng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác đấu thầu và thanh tra, kiểm tra; có nơi xảy ra tình trạng thông thầu, bán thầu… Một số địa phương chưa chủ động, quyết liệt, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm chính trị cao trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư. 

Ngoài ra, ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương, việc triển khai thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn chậm; chưa chủ động thông tin, tuyên truyền đầy đủ các chủ trương, chính sách về đầu tư công cho người dân hiểu và đồng tình, ủng hộ. Thậm chí, ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm việc chấp hành pháp luật về đầu tư công; công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, chất lượng kém. Tại nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu năng lực còn yếu nên tồn tại tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ được giao. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai ở không ít dự án còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến việc huy động nguồn vốn triển khai chưa kịp thời…

Để khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, thực hiện thành công mục tiêu giải ngân hơn 95% số vốn đã phân bổ của năm 2024, yêu cầu đặt ra với các bộ, ngành, địa phương là phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, yêu cầu tiên quyết là phải thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong triển khai; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục; đổi mới phương pháp, cách làm, đổi mới sáng tạo, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; chủ động nguyên vật liệu và các điều kiện cần thiết cho các dự án… Nhất là, phải bảo đảm nhân lực thực hiện có tâm, có tầm, có trách nhiệm nhằm bảo đảm sự hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Tuy nhiên, yếu tố cối lõi để thực hiện thành công mục tiêu nêu trên đòi hỏi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải nêu cao trách nhiệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ. Đó là, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Phải coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu