aA

Kinh tế 16:33, 06/05/2024 GMT+7

Quảng Ninh: Phấn đấu trở thành trung tâm nuôi biển của miền Bắc

Nguyễn Huế (Báo Quảng Ninh)
Thứ 2, 06/05/2024 | 16:33:58 1,424 lượt xem

BPO - Quảng Ninh có hơn 6.100km2 mặt biển là ngư trường khai thác rộng lớn, có đường bờ biển dài 250km. Vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài có giá trị, tạo ra cơ hội lớn cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đặc biệt phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến thực phẩm giá trị cao. Với nhiều giải pháp phát huy thế mạnh nuôi trồng, khai thác thủy sản, những năm qua ngành Thủy sản Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Khu neo đậu tránh, trú bão cấp vùng được đầu tư đồng bộ, hiện đại trên huyện đảo Cô Tô.

Nâng giá trị nguồn lợi thủy sản

Với nhiều lợi thế trong nuôi biển, những năm qua tỉnh Quảng Ninh quan tâm phát triển kinh tế biển, trong đó ban hành nhiều nghị quyết để cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản, điển hình là Nghị quyết số 13-NQ/TU (ngày 6-5-2014) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp đó, tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng phát triển thủy sản nhằm giúp nâng nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò, kinh tế thủy sản, đảm bảo QP-AN. Mới đây, ngày 30-1-2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND về thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh năm 2024 gắn với Chỉ thị số 13-CT/TU (ngày 10-8-2021) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, đề ra giải pháp khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, phục vụ tái cơ cấu ngành Thủy sản trên cơ sở cân đối giữa khai thác và NTTS có hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời, bố trí, sắp xếp các vùng nuôi an toàn, khoa học, phù hợp với các quy hoạch; thu hút đầu tư, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về vai trò kinh tế biển, bảo vệ môi trường trong NTTS.

Đoàn thanh tra Sở NN&PTNT kiểm tra tàu cá tại khu vực biển TP Cẩm Phả. Ảnh: Cao Quỳnh

Trong 10 năm (2013-2023), diện tích NTTS trên địa bàn tỉnh tăng 1,5 lần (từ 21.425 ha lên 32.092 ha); sản lượng thủy sản tăng 1,96 lần (từ 88.984 tấn lên 175.324 tấn). Với 16 cơ sở sản xuất, hằng năm đã ương dưỡng trên 3 tỷ con giống; tỉnh tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ra các thủy vực tự nhiên trên 3 triệu con giống thủy sản các loại/năm…

Ngành Nông nghiệp cũng quan tâm cơ cấu lại các nghề khai thác và đội tàu. Hiện trên địa bàn tỉnh có 5.556 tàu. Các tàu tích cực ứng dụng KHCN khai thác xa bờ, phát triển tàu lớn, nhờ đó sản lượng khai thác liên tục tăng từ 55.434 tấn (năm 2013) lên 81.609 tấn (năm 2023). Tính riêng quý I/2024, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 40.792 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ 2023 (khai thác đạt trên 18.300 tấn, nuôi trồng đạt hơn 22.490 tấn).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu, tập trung chế biến sâu hoặc xuất khẩu thủy sản đông lạnh. Giá trị chế biến xuất khẩu thuỷ sản tăng cao, nhất là ở các thị trường: Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc. Bên cạnh đó còn có 184 cơ sở sơ chế, chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa. Các cơ sở này dù quy mô nhỏ, nhưng sản phẩm chủ yếu là nước mắm, chả mực, thuỷ sản khô, ruốc hàu, ruốc cơ trai, hàu sữa chưng thịt... đã mang lại giá trị cao, có thương hiệu, tham gia Chương trình OCOP của tỉnh. 100% cơ sở chế biến đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, trong đó nhiều sản phẩm đã kết nối vào 26 trung tâm, cửa hàng OCOP trên địa bàn.

Việc đầu tư các dự án nuôi trồng, chế biến thủy sản cũng được tỉnh và ngành Nông nghiệp quan tâm. Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ tỉnh đầu tư 2 dự án lớn, đó là: Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn, quy mô 300 ha, tổng mức đầu tư 136 tỷ đồng với mục tiêu sản xuất trên 1,5 tỷ giống nhuyễn thể chất lượng cao/năm và Dự án hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển tại huyện Đầm Hà, quy mô 650ha với 4 vùng nuôi, 93 cụm bè, 24 phao neo, tổng mức đầu tư 66 tỷ đồng.

Ngư dân xã Tiến Tới (huyện Hải Hà) bán sản phẩm thủy sản khai thác. Ảnh: Hải Hà

Bên cạnh sự hỗ trợ trên, tỉnh Quảng Ninh cũng khuyến khích đầu tư Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM) đầu tư. Với tổng đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, triển khai tại huyện Đầm Hà, quy mô 125 ha, Trung tâm phấn đấu sản xuất giống tôm 3,5 tỷ con/năm; giống cá biển 2,5-3,0 triệu con giống/năm; nhuyễn thể đạt 5-7 triệu con/năm.

Ngoài ra, tỉnh cũng dành ngân sách đầu tư Dự án hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại Hải Lạng (huyện Tiên Yên), quy mô 1.028 ha, dự án đang phát huy hiệu quả với trên 500 ha nuôi tôm theo quy mô công nghiệp, sản lượng khoảng 5.000 tấn/năm. Từ khi đưa vào khai thác, diện tích tôm nuôi bị bệnh giảm rõ hệt, hiệu quả nuôi tôm tăng cao.

Hay Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thủy sản tại huyện Đầm Hà, tổng mức đầu tư 829 tỷ đồng, giai đoạn 1 triển khai với diện tích là 169,5 ha, hiện Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh đã triển khai 28 ha với 25 trại giống, hàng năm sản xuất 1,5 - 1,8 tỷ con giống tôm thẻ. Năm 2022, Công ty đạt thành công trong sản xuất giống tôm chịu lạnh, phù hợp với điều kiện nuôi ở các tỉnh phía Bắc vào mùa Đông, giúp tối ưu hóa đáng kể chi phí đầu tư cho hộ nuôi và doanh nghiệp. Với giải pháp đầu tư hiện đại toàn bộ dây chuyền đã giúp tôm giống của Công ty này đưa ra thị trường được nâng cao rõ rệt về công suất và chất lượng. Công ty còn phối hợp với Sở KH&CN, Sở NN&PTNT và các địa phương để tư vấn kỹ thuật xử lý nước tuần hoàn ứng dụng thảo dược trong hệ thống ao nuôi tôm cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh.

Để tận dụng đối đa lợi thế cạnh tranh, năm 2022 Chi cục Thủy sản Quảng Ninh (Sở NN&PTNT) phối hợp với Công ty CP Tập đoàn STP nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm Mô hình khu nuôi biển đa canh, đa giá trị tại đảo Phất Cờ, xã Hạ Long (huyện Vân Đồn). Mô hình khu nuôi sử dụng tối đa tài nguyên mặt nước, đưa năng suất, sản lượng tăng gấp 1,5-2 lần so với nuôi biển thông thường (10-20 tấn/ha/vụ). Chi phí nhân công giảm được 1/2, tái sử dụng vật liệu trên 50%, giảm chi phí bảo trì bảo dưỡng.

Cùng với đầu tư các dự án phát triển nuôi biển, tỉnh cũng quan tâm quy hoạch các khu nuôi trồng thủy sản tập trung để gia tăng giá trị, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, toàn tỉnh đã tích hợp quy hoạch nuôi biển vào quy hoạch tỉnh với diện tích 45.246 ha, trong đó vùng diện tích thu hút đầu tư là 13.400 ha. Hiện đã có các doanh nghiệp và hợp tác xã nghiên cứu với gần 4.000 ha tập trung ở 7 địa phương (Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Hạ Long). Hiện có 6/9 địa phương hoàn thành công tác lập phương án/đề án và bản đồ quy hoạch nuôi biển. Việc giải quyết thủ tục cấp phép môi trường, cấp phép nuôi trồng và giao khu vực biển cũng đang được Chi cục Thủy sản tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu giải quyết các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực thủy sản…

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - trách nhiệm của cộng đồng

Quảng Ninh có nhiều điểm neo đậu mở và hoạt động thương mại hiện nay cũng đang diễn ra ngay trên ngư trường. Để quản lý khai thác thủy sản hiệu quả, ngành Nông nghiệp đang triển khai số hóa công tác quản lý đội tàu và hoạt động khai thác thủy sản. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 5.556 tàu khai thác thuỷ sản. 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi đều đã thực hiện đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản và lắp đặt đồng bộ thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

TX Quảng Yên thả giống thủy sản về môi trường biển nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 1-4 (1959-2024), ngày 29-3. Ảnh: Bùi Niên (Trung tâm TTVH TX Quảng Yên)

Bên cạnh đó, việc quan trắc, giám sát môi trường vùng nuôi thực hiện theo kế hoạch hằng năm. Giai đoạn 2018-2023, toàn tỉnh thu bình quân trên 14.000 mẫu/năm (mẫu nước nuôi tôm, mẫu nước nuôi nhuyễn thể). Chủ động bảo tồn hệ sinh thái và tái tạo phục hồi nguồn lợi thủy sản, tỉnh cũng đã hình thành các khu bảo tồn biển, nhất là khu vực Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Bái Tử Long và Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; 15 khu bảo vệ nguồn lợi 10 loài thủy sản đặc hữu với diện tích trên 4.000 ha…

Song song với đó, các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh tăng cường quản lý vùng cấm và nghề cấm khai thác để bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trong đó, quy định 2 vùng cấm khai thác thủy sản là khu vực di sản thế giới nằm ở trung tâm Vịnh Hạ Long; Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và khu phục hồi sinh thái tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, trong đó khu bảo vệ nghiêm ngặt nhằm bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi rùa đẻ… Tỉnh cũng triển khai cấm một số nghề theo thẩm quyền, như: Cấm nghề lờ dây (lồng xếp, lồng bát quái) khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, các vùng nước tự nhiên thuộc cửa sông và vùng nước nội địa; cấm nghề lặn dưới mọi hình thức để khai thác thủy sản tự nhiên tại vùng biển ven bờ và vùng lộng…

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số18-CT/TU (ngày 1-9-2017) của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý khai thác, nhất là trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm. Ngành Nông nghiệp đã thiết lập đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, qua đó đã nhận được sự quan tâm của người dân, giúp cho việc tiếp nhận, xử lý thông tin được hiệu quả. Đặ biệt, triển khai khắc phục những tồn tại trong chống khai thác IUU, tỉnh đã khắc phục được cơ bản các nội dung khuyến cáo của Ủy ban châu Âu. Đồng thời, tỉnh cũng cơ bản hoàn thành mục tiêu thay thế hơn 6,85 triệu quả phao xốp trong NTTS (đạt khoảng 97,8%), góp phần tạo chuyển biến đáng kể về chất lượng môi trường tự nhiên.

Tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng được tỉnh triển khai thường xuyên. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh thả trên 7 triệu con giống thủy sản các loại ra thủy vực tự nhiên để khôi phục nguồn lợi. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 1-4 (1959-2024), tại khu vực Bến đò cổ Đền Trần Hưng Đạo, TX Quảng Yên vừa tổ chức lễ thả trên 40 vạn tôm, cá giống. Đây cũng là hoạt động thường niên của TX Quảng Yên, khơi dậy phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản. Qua đây còn tuyên truyền đến người dân không khai thác thủy sản mang tính hủy diệt và phải sử dụng vật liệu nuôi trồng theo đúng quy chuẩn.

Công nhân Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ đóng gói hàu thành phẩm. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Ngày 31-3 và 1-4 này, UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh”. Hội nghị sẽ có 2 phiên tọa đàm về tiềm năng và thách thức nuôi biển; giải pháp phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh với sự góp mặt của 400 đại biểu đại diện nhiều nước có công nghệ nuôi biển phát triển, như: Na Uy, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc cùng đại biểu các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp tỉnh ngoài, các hiệp hội, chuyên gia và tỉnh Quảng Ninh... Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ diễn ra chương trình thả bổ sung 3,5 triệu con giống (hơn 3,4 triệu giống tôm sú, gần 100.000 giống cá biển) tại vùng biển khu vực Khu đô thị Phương Đông (huyện Vân Đồn). Hội nghị nhằm thúc đẩy nuôi biển trên địa bàn tỉnh; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị; tham vấn ý kiến các chuyên gia để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển thời gian tới.

Theo nhiều chuyên gia, để phát triển thủy sản bền vững hơn nữa, tỉnh Quảng Ninh cần có hạ tầng cho riêng phát triển thủy sản; cần xây dựng chuỗi sản xuất, liên kết quy mô lớn hơn; đầu tư hạ tầng, công tác hậu cần nuôi biển và đẩy mạnh ứng dụng KHCN cao vào sản xuất thủy sản…

Với định hướng phát triển thủy sản theo hướng sinh thái, xanh - sạch gắn với quy trình sản xuất hiện đại trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế biển, đảo... tỉnh phấn đấu đến năm 2030, thủy sản Quảng Ninh phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng KHCN để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh sản phẩm, thủy sản trở thành ngành mũi nhọn gắn với thế mạnh kinh tế biển của tỉnh. Tập trung phát triển ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản ở khu vực miền Đông, nuôi biển được tổ chức theo Quy hoạch được phê duyệt và phấn đấu Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển của miền Bắc.

  • Từ khóa
195864

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu