aA

Kinh tế 09:30, 18/06/2024 GMT+7

Quyết tâm xây dựng nông thôn mới ở xã về cuối

Vũ Thuyên
Thứ 3, 18/06/2024 | 09:30:05 1,061 lượt xem
BPO - Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều kết quả tích cực với 73/86 xã được công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, các xã được đầu tư về đích hiện nay độ khó càng tăng. Hiện nay, ngoài 7 xã đầu tư xây dựng năm 2023 đang thẩm định để được công nhận đạt chuẩn NTM thì 6 xã còn lại đang gặp rất nhiều khó khăn, cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành.

Vướng xây dựng cơ bản

Phú Văn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bù Gia Mập, được tỉnh chọn đầu tư cán đích NTM trong năm 2024. Từ xuất phát điểm thấp nên đến nay xã mới đạt 11/19 tiêu chí NTM. Trong 8 tiêu chí chưa đạt còn lại thì trường học, giao thông và cơ sở vật chất, văn hóa là khó hoàn thành nhất, do liên quan đến đất lâm phần và quy hoạch khu dự trữ khoáng sản đã ảnh hưởng đến đầu tư xây dựng cơ bản. Diện tích đất tự nhiên toàn xã hơn 8.300 ha, trong đó đất lâm phần và đất quy hoạch khu dự trữ khoáng sản chiếm khoảng 66%. Đặc biệt có 3 thôn dân tộc thiểu số là Đắk Khâu, Đắk Son 2 và Thác Dài, người dân đã sinh sống từ trước năm 1975 với 100% diện tích thuộc đất lâm phần.

Nhà văn hóa cộng đồng thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn đã xuống cấp, cần xây dựng mới đảm bảo theo quy định

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Văn Đậu Đình Lương cho biết: Xã có 4 trường học, trong đó Trường THCS Lý Thường Kiệt đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện, đang chờ công nhận đạt chuẩn, số còn lại được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia. Vừa qua, tỉnh đã bố trí kinh phí xây dựng 72 phòng học lý thuyết, chức năng, bộ môn cho các trường. Tuy nhiên, các điểm lẻ của Trường TH&THCS Ngô Quyền nằm trên đất lâm phần, trong khi đó, Trường tiểu học Hai Bà Trưng và Trường mầm non Bông Sen vướng quy hoạch khu dự trữ khoáng sản nên đang tạm ngưng.

Theo ghi nhận của phóng viên, do đã được tỉnh bố trí kinh phí nên công tác xây dựng 72 phòng tại điểm lẻ và điểm chính của các trường đã được khởi công phần móng, có nơi đã dựng cột bê tông cốt thép. Tuy nhiên, sau đó cấp thẩm quyền, ngành chức năng có thông báo vướng quy hoạch và đất lâm phần nên tất cả công trình tạm dừng thi công chờ tháo gỡ. Riêng đối với các công trình vướng quy hoạch khu dự trữ khoáng sản đang chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phục vụ mục đích giáo dục, sau đó sẽ tiếp tục xây dựng.

Thầy Phạm Văn Luyến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hai Bà Trưng cho biết: Được sự quan tâm đầu tư của các cấp, đến nay cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường cơ bản đảm bảo hoạt động dạy và học, chỉ chờ hoàn thiện 6 phòng chức năng sẽ công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hiện 6 phòng này đã khởi công xây dựng, tuy nhiên do thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phục vụ mục đích giáo dục nên công trình bị đình chỉ xây dựng. Khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ tiếp tục triển khai xây dựng.

Cùng với Trường tiểu học Hai Bà Trưng, Trường mầm non Bông Sen cũng đã có chủ trương đầu tư lớn với quy mô 16 phòng học theo hướng đạt chuẩn quốc gia nhưng đang phải tạm ngưng thi công để hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài vướng quy hoạch khu dự trữ khoáng sản, Phú Văn có 50 phòng học tại 7 điểm trường đã tạm dừng thi công do nằm trên đất lâm phần. Các điểm trường này xây dựng từ rất lâu, có phòng xây gần 30 năm nay đã xuống cấp không còn sử dụng nên thiếu phòng học, học sinh phải học tạm tại nhà văn hóa thôn. Bên cạnh đó, các điểm trường cần được đầu tư bổ sung thêm các công trình như sân, cổng, hàng rào, nhà vệ sinh...

Phú Văn có 7 thôn, trong đó 5 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định, còn 2 thôn Đắk Son 2 và Đắk Khâu dù đã có nơi sinh hoạt nhưng chưa đảm bảo. Do các công trình này xây dựng từ lâu, diện tích khoảng 50m2, qua thời gian sử dụng đã xuống cấp trầm trọng, hiện không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân nên cần được xây dựng mới. Tuy nhiên, diện tích đất nhà văn hóa 2 thôn nằm trên đất lâm phần nên chưa được đầu tư xây dựng.

“Với những khó khăn nêu trên, địa phương đã kiến nghị UBND huyện và các sở, ban, ngành của tỉnh có hướng tháo gỡ. Từ đó mới hoàn thành các tiêu chí NTM theo quy định” - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Văn Đậu Đình Lương cho hay.

Cần sự quyết tâm cao

Năm 2024, các xã Nghĩa Bình, Đồng Nai của huyện Bù Đăng cũng được đầu tư về đích NTM nhưng đang gặp nhiều khó khăn do 100% diện tích đất tự nhiên của xã nằm trong quy hoạch khai thác quặng bô-xít nên rất khó thực hiện. Theo thống kê, riêng xã Nghĩa Bình có 28 công trình giao thông, 5/6 nhà văn hóa, Trường TH&THCS Nghĩa Bình và nhiều công trình, hạng mục khác đã được khảo sát và có chủ trương xây dựng để cán đích NTM nhưng đều tạm ngưng do vướng quy hoạch. Ngoài ra, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Bù Đăng cũng đang vướng mắc trong xây dựng hạ tầng cơ sở NTM do nằm trên đất lâm phần nên cần được tháo gỡ để hoàn thành các tiêu chí NTM theo lộ trình đề ra.

Trường tiểu học Hai Bà Trưng, xã Phú Văn được đầu tư xây dựng khang trang và chờ hoàn thiện 6 phòng chức năng sẽ công nhận đạt chuẩn

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay Bù Đăng có 10/15 xã đạt chuẩn NTM, 2/15 xã về đích NTM nâng cao. Với phương châm dễ làm trước, khó làm sau, nhờ sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các xã về đích NTM, NTM nâng cao đã tập trung được nhiều nguồn lực, trong đó có sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, địa bàn Bù Đăng rộng, các tuyến đường giao thông cũng như tiêu chí trường học, cơ sở vật chất, văn hóa cần nhiều vốn, nhất là các tuyến giao thông dài cần nguồn vốn lớn nên vận động nhân dân đóng góp gặp không ít khó khăn. Mục tiêu của huyện là phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ có 15/15 xã về đích NTM, 3/15 xã về đích NTM nâng cao. Tuy nhiên hiện nay, một số tuyến đường dân sinh, đi nương rẫy của người dân nằm trên đất lâm phần không thể đầu tư, cùng với đó là quy hoạch bô-xít nên ảnh hưởng đến công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng NTM.

“Chúng tôi đã kiến nghị với tỉnh, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp để xây dựng đường bê tông xi măng và đánh giá lại việc quy hoạch để hạn chế ảnh hưởng đến việc xây dựng NTM của các xã” - Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho biết.

Cùng với những khó khăn do vướng quy hoạch, đất lâm phần thì các xã đang được đầu tư cán đích NTM năm 2024 và 2025 có điểm xuất phát thấp nên cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành cũng như người dân. Từ đó, mục tiêu phấn đấu về đích NTM mới đạt kết quả cao theo đúng lộ trình đã đề ra.

Ngoài 7 xã đang thẩm định đạt chuẩn NTM năm 2023 thì toàn tỉnh còn 6 xã phấn đấu về đích NTM năm 2024 và 2025. Các xã này đều có đặc điểm chung là khó khăn, vùng sâu, xa nhất, xuất phát điểm thấp. Để cán đích NTM, việc đầu tiên cần nguồn lực rất lớn để xây dựng hạ tầng cơ sở. Ngoài ra, người dân phải nỗ lực nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư văn hóa. Đặc biệt, cả hệ thống chính trị, chính quyền 6 xã này cần có quyết tâm mạnh hơn mới tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng NTM.

Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh LƯỜNG ĐÌNH HẢI

Dù gặp những khó khăn nhất định nhưng các địa phương đang nỗ lực tìm mọi giải pháp tháo gỡ và cùng với ý chí quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kỳ vọng việc cán đích NTM ở những xã còn lại chỉ là vấn đề thời gian.

  • Từ khóa
199111

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu