aA

Xã hội 04:45, 18/06/2024 GMT+7

TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Vì sao suối Tân bị ô nhiễm?

Xuân Túc
Thứ 3, 18/06/2024 | 04:45:52 1,109 lượt xem
BPO - Suối Tân có chiều dài khoảng 30km, chảy qua địa bàn các xã Phước Tân, Long Hưng, Bù Nho và Phú Riềng của huyện Phú Riềng. Thời gian qua, không hiểu vì lý do gì mà nước trên dòng suối này bị nhuộm màu đen kịt, bốc mùi hôi khó chịu… Câu hỏi đặt ra là ai, điều gì đã khiến cả dòng suối dài hàng chục kilômét đổi màu?

Nước suối đổi màu, bốc mùi hôi

Cầu số 3 thuộc thôn Tân Bình, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng - nơi dòng suối Tân chảy qua. Dù được gọi là suối nhưng dòng nước ở đây không trong sạch như tên gọi của nó. Bởi chỉ bằng mắt thường quan sát từ xa cũng rất dễ nhận thấy dòng nước ở đây đã nhuộm màu đen kịt.

Chân cầu số 3 thuộc thôn Tân Bình, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng - nơi dòng suối Tân chảy qua nước đổi màu và bốc mùi hôi - Ảnh chụp ngày 13-6-2024

Anh Nguyễn Thanh Nhàn sinh sống tại xã Phước Tân cho biết, hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khai thác mủ cao su thì dòng nước suối Tân lại đổi màu, bốc mùi hôi nồng nặc. Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm, người dân cũng đã nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. “Ô nhiễm suối Tân đã diễn ra khoảng 10 năm. Mùa mưa năm nay, mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn. Nước suối hiện đen kịt, không con gì sống nổi. Trước đây người dân còn dùng nước suối Tân để tưới cây trồng, nay thì “bó tay”, thậm chí muốn lấy nước xịt thuốc cho cây cũng phải chở từ nhà đi” - anh Nhàn bức xúc.

Sinh sống lâu năm gần dòng suối, chị Nguyễn Thị Hằng ở xã Bù Nho, bức xúc: Nước suối Tân không chỉ đổi màu đen, mà còn bốc mùi hôi nồng nặc, nhiều khi đi cách dòng suối rất xa vẫn ngửi thấy mùi hôi. Chúng tôi phản ánh nhiều rồi, cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra, nhưng không hiểu sao dòng suối Tân vẫn ngày càng ô nhiễm. “Không chỉ tôi mà nhiều người dân sinh sống hai bên dòng suối này hết sức lo lắng. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ gây ô nhiễm mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân” - chị Hằng cho biết thêm.

Lần theo dấu vết lên phía thượng nguồn không chỉ có màu đen mà gần như đặc quánh lại và bốc mùi hôi nồng nặc - Ảnh chụp ngày 13-6-2024

Lần theo dấu vết khiến dòng nước suối Tân đổi màu, chúng tôi di chuyển lên phía thượng nguồn. Theo ghi nhận của phóng viên, dòng nước ở đây không chỉ có màu đen mà gần như đặc quánh lại và bốc mùi hôi nồng nặc, khó có khả năng hồi sinh. Một số điểm xuất hiện những lớp váng màu trắng, quan sát bằng mắt thường chúng tôi thấy rất giống váng mủ cao su. Điều đáng ngờ, đây là khu vực phía sau của một nhà máy chế biến mủ cao su khá lớn có trụ sở trên tuyến ĐT741, thuộc xã Long Hưng. Do đó, việc người dân nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến dòng suối Tân bị “bức tử” có liên quan đến nhà máy chế biến mủ cao su trong khu vực cũng là điều dễ hiểu.

Do sự cố tắc đường ống nhà máy chế biến mủ cao su

Trước phản ánh của người dân về hiện tượng nước suối Tân đổi màu đen và bốc mùi hôi khó chịu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng vào cuộc xác minh, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sáng 16-6, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Riềng đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đồng thời kiểm tra đột xuất Nhà máy Chế biến mủ cao su, Công ty TNHH MTV SX TM Linh Hương, xã Long Hưng.

Nước suối Tân bị nhuộm màu đen kịt và bốc mùi hôi thối - Ảnh chụp ngày 13-6-2024

Làm việc với đoàn, đại diện công ty cho biết, khoảng đêm 11-6-2024, tại đường ống có đường kính 220mm dẫn nước thải từ hồ thu gom qua bể gạn mủ cao su của hệ thống xử lý nước thải bị tắc nghẽn, đồng thời bờ bao của cụm bể gạn mủ phía trên bị vỡ, dẫn đến nước thải chưa qua xử lý chảy tràn qua hệ thống xử lý nước thải và chảy ra suối Nhỏ. Sau khi phát hiện vụ việc, công ty đã tiến hành thông tắc đường ống và đổ bê tông dựng lại bờ bao của bể gạn mủ. Đến chiều 13-6-2024, công ty đã khắc phục hoàn toàn sự cố. Phía công ty cũng cam kết sẽ xử lý triệt để sự việc này.

Kiểm tra thực tế tại khu vực nhà máy và hệ thống xử lý nước thải của công ty, các thành viên đoàn không phát hiện có vị trí nước thải chảy ra từ trong khu vực nhà máy. Khu vực suối Nhỏ (sát hệ thống xử lý nước thải) hiện không có nước chảy, tuy nhiên trên lòng suối còn dấu vết của nước thải từ nhà máy. Tại khu vực cụm bể gạn mủ của hệ thống xử lý nước thải có đặt 1 máy bơm và 1 đường thoát nước (hiện không có nước thoát ra bên ngoài). Trên bề mặt khu vực hệ thống xử lý nước thải đang lưu chứa mủ sirum (vớt từ bể gạn mủ) nên có nguy cơ nước mưa chảy tràn qua khu vực lưu chứa mủ sirum ra suối Nhỏ.

Đoàn kiểm tra yêu cầu công ty phải thu gom và xử lý triệt để lượng nước thải còn sót lại tại các vũng nước nhỏ trong lòng suối (bên cạnh hệ thống xử lý nước thải). Thu gom toàn bộ nước thải và các chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động. Thường xuyên vận hành các công trình xử lý chất thải theo đúng quy trình, không thải nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đồng thời, tăng cường các biện pháp xử lý giảm thiểu mùi hôi phát sinh trong quá trình hoạt động và tại khu vực xử lý nước thải. Thu gom toàn bộ mủ tạp nguyên liệu vào khu vực có mái che, không để ngoài trời tránh phát tán mùi hôi, nước mưa chảy tràn qua khu vực chứa mủ tạp gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Tháo dỡ máy bơm và xây dựng bờ bao tại vị trí đường thoát nước khu vực cụm bể gạn mủ. Trong quá trình hoạt động, công ty phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

  • Từ khóa
199096

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu