aA

Xã hội 10:00, 20/06/2024 GMT+7

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Điểu Lành - Điểu Vĩnh - Thổ Thanh
Thứ 5, 20/06/2024 | 10:00:00 1,041 lượt xem
BPO - Giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành tỉnh Bình Phước đã triển khai thực hiện trong những năm qua. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, năm 2019, tỉnh triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS hằng năm trong giai đoạn 2019-2023. Nhờ thụ hưởng từ chương trình này, 5 năm qua, đã có hàng ngàn hộ nghèo DTTS trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 phối hợp các đơn vị cấp nước sinh hoạt miễn phí cho người dân xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập mùa khô hạn 2024 - Ảnh: T.L

Hiệu quả từ các chương trình, chính sách

Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, tỉnh Bình Phước đã lồng ghép, triển khai nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo cho đồng bào DTTS như: Hỗ trợ nhà ở (xây, sửa nhà), nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, điện, tiếp cận thông tin, hỗ trợ nông cụ, cây - con giống, vốn vay ưu đãi... làm điểm tựa giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong 5 năm thực hiện chương trình (2019-2023), toàn tỉnh đã giảm 6.539 hộ nghèo DTTS (vượt chỉ tiêu giao hằng năm giảm 1.000 hộ), từ đó góp phần giảm nhanh số hộ nghèo của tỉnh hiện nay xuống còn 1.068 hộ. Đây là thành công lớn và tạo bước đột phá mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Kết quả này đã trở thành bước đệm cho công tác giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững hơn, từ đó đưa cuộc sống của đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới ngày càng đầy đủ hơn.

Để thực hiện chương trình, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện, điều chỉnh chỉ tiêu, nhu cầu đảm bảo phù hợp tình hình thực tế của hộ nghèo DTTS tại các địa phương.  

Bù Gia Mập là huyện biên giới có hơn 36% số dân là đồng bào DTTS, số hộ nghèo cao hơn so với các huyện, thị xã khác trong tỉnh. Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, 5 năm qua, toàn huyện có 1.571 hộ nghèo DTTS được hỗ trợ từ chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh với hơn 185 tỷ đồng.

Năm 2022, gia đình anh Điểu Đăng và chị Thị Brơn ở thôn 4, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập được hỗ trợ xây nhà, khoan giếng, 2 con bò giống và máy phát cỏ từ chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS. Với một gia đình trẻ, ít đất sản xuất như hộ anh Đăng, đây chính là “phao cứu sinh” và là điểm tựa để thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Sau hơn 2 năm nhận được sự hỗ trợ từ chương trình, gia đình anh Đăng đã nỗ lực lao động và hiện có cuộc sống ổn định.

Huyện Bù Đăng có khoảng 40% số dân là đồng bào DTTS. Đầu năm 2019, huyện có 1.488 hộ nghèo, chiếm 4,33% tổng số hộ dân, trong đó có 959 hộ nghèo DTTS. Thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh, 5 năm qua, đã có 1.470 hộ nghèo DTTS trên địa bàn huyện được hỗ trợ. Ngoài ra, các hộ nghèo còn được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, xe máy làm phương tiện sinh kế tạo thu nhập bền vững để vươn lên thoát nghèo. Toàn huyện Bù Đăng hiện chỉ còn 254 hộ nghèo, trong đó có 165 hộ DTTS, chiếm 65% tổng số hộ nghèo của huyện.

Thay đổi nhận thức của đồng bào

Hộ anh Hoàng Văn Si (dân tộc Nùng) ở thôn 5, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng có hơn 1 ha đất trồng điều đã cho thu hoạch và vài trăm cây cao su 4 năm tuổi, nhưng do điều mất mùa nên việc tái đầu tư, chăm sóc vườn rẫy gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2023, gia đình anh Si được hỗ trợ xây nhà mới. Ngoài ra, anh Si còn được hỗ trợ 2 con bò sinh sản và giếng khoan, được vay vốn ưu đãi 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế gia đình. Anh Si chia sẻ: “Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và nỗ lực vươn lên của bản thân, kinh tế gia đình tôi đã dần ổn định. Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước rất nhiều!”.  

Ngoài được xây tặng nhà đại đoàn kết, gia đình ông Lô Văn Thắng ở thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng còn được hỗ trợ 2 con bò giống, máy cắt cỏ để tạo sinh kế phát triển kinh tế. Đặc biệt, chỉ sau thời gian ngắn tham gia mô hình giúp nhau phát triển kinh tế do địa phương vận động thành lập, công việc cắt cỏ, phun thuốc, cắt cành, tạo tán cây trồng với các nông cụ hỗ trợ đã giúp gia đình ông có thu nhập tương đối ổn định. Ông Thắng cho biết: “Từ khi tham gia mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, mình nhận khoán phát vườn điều, làm vườn cho các công ty, doanh nghiệp... Nhờ đó, thu nhập khá và cuộc sống gia đình ổn định hơn”.

Từ thành công ban đầu, địa phương đã tiến hành nhân rộng, đồng thời xây dựng thêm các mô hình chăn nuôi tập thể, qua đó phát huy nguồn nhân công nhàn rỗi còn khá lớn trong các hộ DTTS trên địa bàn.

Anh Hoàng Văn Si (thứ 3 từ phải sang) ở thôn 5, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng chia sẻ niềm vui thoát nghèo với cán bộ làm công tác dân tộc của huyện

Ông Điểu Nen, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Qua 5 năm thực hiện chương trình, toàn tỉnh đã giảm hơn 6.500 hộ nghèo và hiện chỉ còn 517 hộ nghèo DTTS. Qua đó, tạo điều kiện giúp đồng bào DTTS có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống”.

Từ năm 2024, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh chuyển sang giai đoạn mới, tập trung đầu tư theo chiều sâu, đầu tư cho con người, nâng cao năng lực của đồng bào DTTS. Cụ thể là tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS, để họ ý thức làm chủ bản thân, tự lực vươn lên. Đồng thời rà soát thực hiện các chính sách theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nghề, tạo sinh kế, việc làm để đồng bào DTTS vươn lên giảm nghèo bền vững.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh

Phát huy kết quả đạt được trong giai đoạn 2019-2023, Bình Phước đã có những phương hướng triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo nhằm tạo điều kiện cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

  • Từ khóa
199314

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu