aA

Văn hóa 05:55, 07/05/2024 GMT+7

KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 - 7-5-2024)

Mùa hoa phượng và ký ức Ðiện Biên Phủ

Ma Văn Kháng
Thứ 3, 07/05/2024 | 05:55:31 1,740 lượt xem

1. Tháng Năm, rợp trời hoa phượng nở. Tôi tin rằng câu hát này, bài hát này của nhạc sĩ Lương Vĩnh phổ thơ của thi sĩ Hải Như không chỉ dành tặng riêng Hải Phòng, quê hương ông. Ông còn tặng cho những thành phố, thị xã, thị trấn, làng quê của cả nước vào hè rợp đỏ hoa phượng.

Thật ra mọi người đã bồi hồi đón chờ hoa phượng từ lúc các đợt gió xuân mới thoang thoảng hơi nồm. Vào đầu tháng Tư, lá cây sồi già vàng ánh như những đồng tiền vàng quay tròn trong gió, một sớm mai trở dậy thấy ngát lên trong không gian mùi hoa sấu thơm sâu. Và tít trên các vòm cao của cây xanh trên các con đường phố đã lấp ló sắc đỏ như son non của hoa phượng.

Mùa hè đến trang trọng và uy nghi với da trời xanh ngát và hoa phượng tươi đỏ như một ánh hào quang ngạo nghễ trong tiếng ve râm ran khúc hoan ca.

Trong các sắc đỏ của hoa, thì hoa phượng là một biến ảo, một bí ẩn khôn cùng. Cái cung màu nồng ấm hàm ẩn bao ý nghĩa nhân sinh này sao lại có thể có được một chu kỳ sinh học tự nhiên, một vòng đời sắc màu phong phú kỳ ảo đến thế! Thôi thì đủ sắc độ các cung bậc mà sắc độ cung bậc nào phô lộ ra cũng đẹp đến mê hồn. Tôi yêu cái màu đỏ son khi phượng mới nở. Tôi thích cái sắc cờ đỏ tươi của phượng khi vào mùa. Tôi cũng hóa thành lửa cháy lên cái khát khao mãnh liệt của phượng khi mãn khai.

Minh họa: S.H

Nhìn phượng ta nhớ đến sắc cờ đỏ thắm với ngôi sao vàng năm cánh xuất hiện đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Nhớ tới bài thơ “Ngọn Quốc kỳ” của thi sĩ Xuân Diệu viết năm 1946, thuở khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Dân quân du kích dao chen ánh
Giữ lá cờ sao vàng lấp lánh
Cờ như mắt mở thức thâu canh
Như lửa đốt hoài trên đỉnh chốt
Cờ như nắng ấm mãi luôn luôn
Sưởi khắp lòng ai nghe vắng lạnh
Sớm hôm canh giữ lấy hồn thiêng…

Ngắm phượng ta nhớ tới Quốc kỳ ta nền đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries trong lòng chảo Điện Biên ngày 7-5-1954. Ta kiêu hãnh nhìn cờ ta phất cao trên dinh tổng thống chính quyền Sài Gòn ngày 30-4-1975. Ta sung sướng vui mừng khi thấy cờ đỏ sao vàng ta hiên ngang bay trong gió lộng tại lễ thượng cờ trong các hội họp với bạn bè năm châu bốn biển. Và vui sao khi nhìn thấy Quốc kỳ ta trên vai quàng của các vận động viên huy chương vàng trong các kỳ thi đấu thể thao quốc tế.

2. Mùa hoa phượng năm nay hình như đến sớm hơn vì ngay từ đầu năm, những hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã được triển khai rầm rộ trên cả nước. Vào mùa hoa phượng năm nay, tôi lại nhớ đến bạn tôi, Đại tá, nhà văn Nguyễn Trần Thiết. Sinh ra trong nghèo khổ, trong thân phận kẻ cày thuê cuốc mướn, rồi đổi đời cùng Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhập ngũ, trong vai trò anh lính Cụ Hồ sau ngày 19-8-1945. Trực tiếp cầm giáo mác tấn công đồn giặc thời kháng chiến 9 năm. Lặn lội trong gian khó và máu lửa. Vào sinh ra tử. Trải qua chức trách từ anh tiểu đội trưởng, trung đội trưởng tới đại đội trưởng, rồi nhờ năng khiếu viết văn, viết báo được điều về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Tham gia hầu hết các chiến dịch lớn từ miền Bắc đánh Pháp đến miền Nam đánh Mỹ, cho đến khi đeo quân hàm đại tá, ở tuổi 85, nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, với thành tựu là 93 tác phẩm văn chương đã xuất bản. Trong đó có thể kể đến các truyện dài, ký sự và tiểu thuyết nổi tiếng: Chiến công thầm lặng, Viên tướng và hai bà vợ, Gia đình biệt động, Nữ tướng Phun rô, Kẻ cuồng vọng mang mật kế Z, Viên chuẩn tướng, Mặt trận không tiếng súng, Truy tìm ổ quỷ, Hành trình đồng đô la, Theo bước chân thần tốc, Cơn lốc Trường Sơn, Dương Văn Minh - tổng thống cuối cùng... Một sức nặng thời gian và một khối lượng lao động trí tuệ và tình cảm đồ sộ. Một đức kiên trì vô song. Một tình yêu bền vững với công việc bút mực và cuộc đời! Những trang lịch sử anh hùng của dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng!

Cách đây 10 năm, năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, vào đúng mùa hoa phượng đỏ rợp trời đất nước, các cơ quan chức năng mới phát hiện ra một chi tiết quan trọng, Nguyễn Trần Thiết hồi là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân đã từng hỏi cung bại tướng De Castries năm 1954 ở lòng chảo Điện Biên, thêm nữa, ông cũng lại là người đã phỏng vấn Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn ngày 30-4-1975, ngay tại Dinh Độc Lập.

 - Thưa nhà văn, ông đã chứng kiến những giây phút hào hùng nhất của lịch sử dân tộc ta, của quân đội ta, của Đảng ta. Cảm nghĩ của ông thế nào? - phóng viên hỏi.

Nguyễn Trần Thiết đáp:

- Tôi sinh ra trước Cách mạng tháng Tám trong nghèo khổ. Ở làng quê xưa của tôi, ngay đến căn nhà của lý trưởng, tôi cũng không dám bén mảng tới. Nay, tôi là công dân một nước Việt Nam độc lập thống nhất, một sĩ quan quân đội, một nhà báo, một nhà văn của cách mạng. Còn gì sung sướng và tự hào hơn. Cách mạng cho tôi vị thế lớn chưa từng mơ ước là thế đấy.

Phóng viên hỏi tiếp:

- Vậy giữa hai lần tham gia trận đại thắng của dân tộc và hai lần tiếp xúc với bại tướng De Castries và tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh, nhà văn, nhà báo thấy có gì khác nhau?

Nhà văn, nhà báo - người đảng viên già gật đầu, tủm tỉm:

- Có khác nhau tí chút! Một đằng là sắc cờ đỏ tươi tràn ngập phố phường đô thành Sài Gòn! Khắp nơi, từ đại lộ lớn đến các ngõ hẻm nhỏ của thành phố, là không khí một ngày đại hội tưng bừng nô nức của triệu triệu con người trong sắc đỏ của lá cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Đúng là dân tộc ta đã trải qua một cuộc trường chinh đầy máu lửa để non sông về một dải, để có ngày vinh quang này. Nhìn quang cảnh hân hoan đổi đời này, lòng tôi không khỏi rưng rưng nghẹn ngào. Bạn có nhớ bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Nguyễn Mỹ có tên là “Cuộc chia ly màu đỏ” không? “Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ/ Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa/ Chồng của cô sắp sửa đi xa/ Cùng đi với nhiều đồng chí nữa/Chiếc áo đỏ cháy như than lửa/ Cháy không nguôi trước cảnh chia ly”. Đôi trai gái ngày ấy chia tay nhau để lên đường đánh giặc trong sắc đỏ tượng trưng của chiếc áo. Còn bây giờ đây là cuộc hội ngộ màu đỏ chứa chan cảm hứng lãng mạn và oai hùng!

- Vâng. Thưa đại tá. Thế còn ở Điện Biên Phủ ngày chiến thắng?

- Ngày chúng ta đại thắng ở Điện Biên Phủ ư? Quên sao được lá cờ quyết chiến, quyết thắng đỏ thắm của quân ta tung bay trên nóc hầm của tướng De Castries chiều ấy, trong khi trên đỉnh các lô cốt hầm ngầm, bên rìa các đường hào loang lổ vết bom đạn, cạnh những vòng thép gai rỉ sét, những khẩu súng gãy nát, trên mặt đất hoang tàn của cái cứ điểm khổng lồ, trong lòng cái thung lũng bị bom cày đạn xới ấy, trải ra miên man trong toàn cảnh, là sắc trắng những lá cờ đầu hàng của quân giặc. In sâu trong mắt ngày ấy là màu trắng quỳ gối đầu hàng nhục nhã của tên đế quốc già đời trong ngày tận thế của chúng, lòng tôi giờ đây vẫn rạo rực niềm kiêu hùng và hạnh phúc!   

Sài Gòn 30-4 cách đây 49 năm, phố phường ngập tràn sắc đỏ huy hoàng của lá cờ bách chiến bách thắng. Điện Biên Phủ ngày 7-5 cách đây 70 năm, tràn ra trên chiến địa là màu cờ trắng suy tàn thảm bại của lũ giặc hung tàn.

Nghe trưa nay tháng năm, mồng bảy
Trên đầu bay thác lửa hờn căm
Trông: Bốn mặt, lũy hầm sụp đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng

(Bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu).

Một sắc đỏ. Một màu trắng. Hai cung màu tương phản cùng một ý nghĩa, cùng mở ra một trang mới của lịch sử dân tộc. Thiên nhân hợp nhất! Mùa hoa phượng đỏ, những chiến công vĩ đại của một dân tộc anh hùng, một sự trùng hợp tuyệt đẹp của thiên nhiên và cuộc đời!

  • Từ khóa
196003

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu