aA

Thời luận 04:36, 07/05/2024 GMT+7

KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 - 7-5-2024)

“Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Hồ Ngọc
Thứ 3, 07/05/2024 | 04:36:24 1,141 lượt xem
BPO - Ngày này cách đây đúng 70 năm (7-5-1954), quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng này đã ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công phá tan hệ thống thành trì nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, buộc chính quyền thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, rất nhiều vấn đề được đầu tư nghiên cứu và làm sáng tỏ, cả ở tầm khái quát và ở các sự kiện, biến cố, chi tiết cụ thể từ hai phía. Song, có một câu hỏi mang tính lịch sử sâu sắc được đặt ra và tìm lời giải đáp trong nhiều công trình, đó là: Tại sao, nguyên nhân nào Việt Nam là một dân tộc nghèo, đất không rộng, người không đông lại làm nên chiến thắng vĩ đại mang tầm vóc thế giới? Tại sao nước Pháp giàu có, “binh hùng”, vũ khí mạnh... lại thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ đã được chuẩn bị công phu, mà họ nghĩ sẽ là pháo đài bất khả chiến bại ở Đông Dương khi đó? Cũng đã có rất nhiều lời giải của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và lịch sử, nhưng lời giải xác đáng nhất, khoa học nhất và trọn vẹn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Sẽ không tìm được câu trả lời cho câu hỏi này nếu không nhìn sâu vào bề dày lịch sử xa xưa, vào nền văn hóa dân tộc, vào truyền thống và di sản quân sự của tổ tiên...”.

Điều đó hoàn toàn đúng, bởi lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã minh chứng hùng hồn rằng, chỉ có văn hóa giữ nước mới huy động được sức mạnh của cả dân tộc khi bị kẻ thù xâm lược và đó là bí quyết của mọi chiến thắng. Và chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu hiện sáng ngời của văn hóa giữ nước - văn hóa yêu hòa bình Việt Nam, văn hóa “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”.  Đây còn là tư tưởng quân sự độc đáo Việt Nam, biết cách đánh thắng bằng bản sắc văn hóa riêng của dân tộc chúng ta. Với văn hóa giữ nước như vậy, tất yếu tạo ra nghệ thuật quân sự đặc biệt, riêng có của Việt Nam, đó là chiến tranh nhân dân, mà đặc trưng của nó là sức mạnh bắt nguồn trong lực lượng hùng hậu và vô tận của nhân dân dưới sự dẫn dắt, giác ngộ và tổ chức của một đảng chân chính - Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chính viên tướng bại trận tại Điện Biên Phủ - De Castries đã phải thốt lên: Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc. Và chính từ thực tế của đất nước, chúng ta có thể khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến tranh nhân dân nói riêng mãi là bài học quý báu đối với sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, để thực hiện tốt vấn đề này, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng, nâng cao cuộc sống của nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển. 

Xuất phát từ quan điểm đó, ngày 20-11-2023, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập; xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam… và phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. Nghị quyết cũng đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng con người Bình Phước; xây dựng môi trường văn hóa; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước; phát huy vai trò chủ thể của nhân dân; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực... 

Đường lớn đã mở, vấn đề còn lại là toàn thể Đảng bộ, chính quyền, quân, dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh phải phát huy cao độ tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ để thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết số 14-NQ/TU - nền tảng của mọi sự phát triển nhanh và bền vững.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu