aA

Thời luận 04:42, 10/05/2024 GMT+7

Tăng tốc để về đích sớm

Tấn Hòa
Thứ 6, 10/05/2024 | 04:42:09 1,236 lượt xem
BPO - Những kết quả được báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong 4 tháng năm 2024 đã có bước phát triển rất tích cực so với những tháng trước đó. Đây là tín hiệu hết sức lạc quan để Việt Nam tăng tốc trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2024.

4 tháng năm 2024, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, bất lợi và khó lường như các điểm nóng về xung đột vũ trang chưa có dấu hiệu giảm nhiệt; nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang trong đà suy giảm; chuỗi cung ứng toàn cầu phục hồi chậm; nhiều tuyến vận tải quan trọng bị tấn công bởi một số lực lượng vũ trang... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, sự vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp cùng sự điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ và các địa phương trong việc khắc phục những điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, phát huy những thành tựu đạt được trong “hành trình vượt cơn gió ngược” năm 2023, Việt Nam đã có những bứt phá mới trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng qua tăng 3,93%; thu ngân sách ước đạt 733,4 ngàn tỷ đồng, tăng 10,1%; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) hơn 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%; tổng kim ngạch hơn 238,9 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023… Song song đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh và vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế ngày càng nâng cao...

Hiện nay, bối cảnh thế giới và khu vực đang có những diễn biến khó lường, trong nước vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cũng như khó khăn, thách thức cần tập trung ứng phó, xử lý, khắc phục như sức ép trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tăng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân vẫn gặp khó khăn; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng nắng nóng kéo dài, hạn hán nghiêm trọng, sâu bệnh... gây xáo trộn sản xuất tại nhiều địa phương. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm, tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa được kiềm chế. Hoạt động thu hút FDI, thu hút khách du lịch quốc tế của nước ta cũng đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia trong khu vực...

Để thực hiện thành công Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9-11-2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ngoài 15 chỉ tiêu Chính phủ giao các cấp, ngành thực hiện, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đó là đẩy mạnh đầu tư công, tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải; tăng cường hoạt động xuất khẩu; mở rộng xúc tiến thương mại, nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính hiệu quả của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để mở rộng thị trường xuất khẩu. Chính phủ tiếp tục thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa; nắm bắt thời cơ, kiến tạo động lực mới cho sự phát triển và đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính trên tất cả lĩnh vực. Đồng thời phát huy hiệu quả những bài học kinh nghiệm, thành quả của công cuộc đổi mới đất nước, tranh thủ thời cơ nhằm tạo ra những bứt phá mới. Song song đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các tập đoàn kinh tế tích cực phát huy tính chủ động, sáng tạo trong đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường và hợp tác quốc tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng tốc và cán đích sớm các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 cũng như những năm tiếp theo.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu