aA

Văn hóa 14:32, 26/06/2024 GMT+7

Ngoại giao kinh tế: Du lịch Việt Nam tỏa sáng tại thủ đô Paris của Pháp

Nguyễn Thu Hà (TTXVN)
Thứ 4, 26/06/2024 | 14:32:59 400 lượt xem
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tối 25-6, tại thủ đô Paris, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/PV TTXVN tại PhápĐây là một phần trong chuỗi hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại châu Âu bao gồm các nước Pháp, Italy và Đức. Sự kiện thu hút sự tham dự của đông đảo đại diện các doanh nghiệp lữ hành, hiệp hội du lịch, khách sạn, hàng không và báo chí Pháp và Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, trong hơn 5 thập niên qua, kể từ khi Pháp và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã trở thành đối tác đặc biệt, một nước là cường quốc kinh tế hàng đầu ở châu Âu và một nước châu Á năng động, đang phát triển nhanh chóng. Trong bối cảnh hội nhập, hai bên có nhiều tiềm năng bổ sung cho nhau trong hợp tác và phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Việt Nam là đất nước giàu tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa, có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo với cảnh quan, bãi biển đẹp, làng quê, lối sống của 54 dân tộc anh em đang được khai thác theo hướng phát triển bền vững.

Việt Nam có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 10 di sản tư liệu và 3 công viên địa chất toàn cầu, 11 khu dự trữ sinh quyển. Bên cạnh những điểm đến quen thuộc như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Việt Nam còn có nhiều điểm đến mới, hấp dẫn du khách, đặc biệt là từ Pháp và châu Âu, gồm: Sapa, quần thể lịch sử Điện Biên Phủ, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, thám hiểm hang Sơn Đoòng, khu nghỉ dưỡng biển trên đảo Phú Quốc...

Du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng dựa vào thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa, văn hóa làng nghề truyền thống, những lễ hội văn hóa đặc sắc, những món ăn nổi tiếng của Việt Nam như phở, nem, bún chả, bánh mỳ đều được du khách quốc tế rất ưa chuộng. Nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch đã được các trang tư vấn, đánh giá du lịch uy tín như World Travel Awards, TripAdvisor, Telegraph và các cơ quan truyền thông lớn xếp vào danh sách hàng đầu thế giới.

Cũng theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, châu Âu là thị trường khách trọng điểm của du lịch Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đón trên 1,4 triệu lượt khách, tăng 187% so với năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm nay, đã có trên 975.000 lượt khách châu Âu đến Việt Nam, tăng 57,1% so với cùng kỳ năm 2023. Pháp là thị trường truyền thống và quan trọng hàng đầu của du lịch Việt Nam tại châu Âu. Năm 2023, Việt Nam đón gần 216.000 lượt du khách Pháp, đạt tỷ lệ phục hồi 75% so với giai đoạn trước COVID-19 (290.000 lượt khách), đứng thứ hai trong số các thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam tại Liên minh châu Âu.

Thời gian qua, ngành du lịch hai nước đã có nhiều hoạt động hợp tác nhằm tạo điều kiện trao đổi du lịch như ký kết Hiệp định hợp tác du lịch năm 1996, Nghị định thư triển khai Hiệp định hợp tác du lịch năm 2005; Ý định thư về hợp tác du lịch năm 2018. Vietnam Airlines và Air France đã triển khai các chuyến bay thẳng kết nối các thành phố và trung tâm du lịch lớn của hai nước.

Ngành du lịch Việt Nam tích cực tiến hành các hoạt động xúc tiến du lịch tại Pháp như tổ chức các đoàn khảo sát, các chương trình giới thiệu du lịch, tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Top Resa và các hoạt động khác nhằm tăng cường giao lưu du lịch giữa hai nước. Chính phủ Việt Nam miễn thị thực cho công dân Pháp đến Việt Nam từ năm 2015 và gia hạn thời gian tạm trú cho khách du lịch Pháp lên 45 ngày kể từ ngày 15/8/2023. Đường bay thẳng thuận tiện, thủ tục xuất nhập cảnh đơn giản, điểm đến và sản phẩm du lịch hấp dẫn, lòng hiếu khách nồng hậu của người dân là những điều kiện lý tưởng để thúc đẩy phát triển du lịch giữa hai nước.

Ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: "Trong những năm gần đây, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp đến ngành du lịch toàn cầu, trong đó có du lịch Pháp và Việt Nam. Hiện đại dịch đã được kiểm soát, cả hai nước đã mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch và tổ chức nhiều sáng kiến nhằm khôi phục và phát triển hoạt động du lịch. Roadshow Du lịch Việt Nam tại Pháp hôm nay là cơ hội tốt để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Pháp chia sẻ những thông tin cập nhật, hướng tới hợp tác kinh doanh, tăng cường trao đổi du lịch giữa Việt Nam và Pháp trong bối cảnh phục hồi hậu COVID-19, chuẩn bị cho một giai đoạn mới, phát triển mạnh mẽ hơn. Tôi tin rằng sự kiện hôm nay, cùng với các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật khác của Việt Nam và các hoạt động truyền thông đa dạng, giao lưu du lịch giữa hai nước sẽ được tăng cường, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Pháp và thúc đẩy giao lưu du lịch giữa hai nước".

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá cao sáng kiến của Cục Du lịch Việt Nam tổ chức sự kiện này góp phần nêu bật được sự phong phú về du lịch của Việt Nam, và qua đó củng cố một khía cạnh quan trọng trong mối liên kết Pháp và Việt Nam. Đại sứ cho rằng Việt Nam là đất nước có nền văn hóa cổ xưa với nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Từ núi non hùng vĩ phía Bắc, đến đồng bằng màu mỡ ở miền Nam, qua những bờ biển tráng lệ ở miền Trung, Việt Nam có nhiều cảnh quan ngoạn mục, điểm đến cho mọi đam mê và khám phá. Ngoài ra, ẩm thực Việt Nam là một trong những nền ẩm thực phổ biến nhất trên thế giới, phong phú về hương vị và màu sắc, đa dạng về chủng loại, đáp ứng mọi sở thích. Chia sẻ một cách hài hước, Đại sứ cho rằng: "Việt Nam cũng là quốc gia có chi phí sinh hoạt còn tương đối thấp. Do đó, du khách có thể tận hưởng kỳ nghỉ của mình mà... không lo phá sản!".

Cũng theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, là đất nước phía Nam xa xôi nhưng Việt Nam lại rất gần gũi với người Pháp thông qua các mối liên hệ lịch sử và tình bạn truyền thống, do đó du khách Pháp sẽ luôn được chào đón ở Việt Nam. Đại sứ khẳng định: "Các chuyến du lịch đến Việt Nam của các bạn không chỉ được hỗ trợ bởi mối quan hệ lịch sử và văn hóa của chúng ta, mà còn bởi sự hợp tác song phương nhiều mặt và đa chiều, đưa bạn đến với du lịch xanh và bền vững, bất kể điểm đến của bạn là gì".

Cho rằng du lịch giữa Pháp và Việt Nam vẫn còn tiềm năng để khai thác, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng gợi ý hoạt động du lịch theo hai hướng, không chỉ người Pháp đến với Việt Nam mà cả du khách Việt Nam đến Pháp, "bởi vì người Việt yêu nước Pháp và ngày càng ham muốn khám phá, hoặc thăm lại đất nước này". Cảm ơn chính quyền Pháp đã ủng hộ sự phát triển của du lịch Việt Nam tại Pháp, Đại sứ tin rằng "sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục được tăng cường trong những năm tới".

Trong khuôn khổ chương trình xúc tiến du lịch tại Pháp, nhiều hoạt động kết nối, gặp gỡ giao lưu và thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh đã diễn ra giữa các hãng lữ hành Việt Nam và Pháp. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu các chính sách, điểm đến, sản phẩm du lịch hướng tới thị trường châu Âu. Đại diện Vietnam Airlines giới thiệu các chuyến bay và gói khuyến mại. Các doanh nghiệp lữ hành Pháp cũng bày tỏ sự quan tâm và đưa ra nhiều câu hỏi nhằm hiểu rõ hơn các chính sách và ưu đãi du lịch ở Việt Nam.

Nhân dịp này, một chương trình biểu diễn văn nghệ đặc sắc, do các nghệ sĩ Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam trình diễn, đã mang đến cho công chúng Pháp một bữa tiệc văn hóa nghệ thuật truyền thống, đậm đà bản sắc của các dân tộc Việt Nam.

  • Từ khóa
199972

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu