aA

Thế giới 09:53, 28/03/2018 GMT+7

Trận chiến vòng cung Kursk

Thứ 4, 28/03/2018 | 09:53:00 1,409 lượt xem
BP - Sau khi bị Hồng quân Liên Xô đánh bại tại mặt trận trận Stalingrad và chiến dịch Kavkaz, mục tiêu đánh bại Liên Xô theo kế hoạch Blau của Hitler đã bị phá sản. Để giành lại thế chủ động trên chiến trường, tháng 5-1943, Hitler huy động 4,8 triệu quân (chiếm 71% tổng quân số của Đức Quốc xã) cùng nửa triệu quân của các nước chư hầu vào mặt trận Xô - Đức.

Về phía Liên Xô, từ tháng 3-1943, Bộ Tổng tư lệnh Hồng quân triển khai các cuộc tấn công đánh vào quân Đức trên một số vị trí chiến lược. Từ cuối tháng 3-1943, quân Đức mở các cuộc phản công đẩy lùi nhiều sư đoàn kỵ binh và bộ binh Liên Xô về khu vực Sevsk. Tình thế buộc Hồng quân phải chuyển sang thế phòng ngự nhiều nơi. Lúc này, Hitler đã hoàn tất việc tập trung gần 1 triệu quân cùng 3.000 xe tăng, pháo tự hành, 9.467 pháo cối các loại, 2.110 máy bay thực hiện chiến dịch “Thành trì” tại vòng cung Kursk.

Ngày 4-7-1943, hàng ngàn máy bay của Đức tiến hành rải thảm toàn bộ mặt trận báo hiệu chiến dịch “Thành trì” bắt đầu. Ngay sau đó, 3 phía của vòng cung Kursk, hàng ngàn xe tăng của Đức bắt đầu xung trận. Ngày 10-7-1943, tại cánh đồng Prokhorovka, hai bên đã tung ra mặt trận 1.200 xe tăng và pháo tự hành. Đây là trận chiến bằng xe tăng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Cuộc chiến tại vòng cung Kursk kéo dài từ ngày 4-7 đến 23-8-1943 và được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 4 đến 19-7, quân Đức tấn công vào vòng cung Kursk ở ba phía. Giai đoạn 2, từ 20-7 đến 23-8-1943, Liên Xô tổ chức phản công. Ở giai đoạn 2, Hồng quân Liên Xô đã huy động trên 1,3 triệu quân cùng 3.600 xe tăng, 29.000 pháo cối và 2.792 máy bay. Kết quả, quân Đức bị bại trận và thiệt hại hơn nửa triệu quân cùng 1.500 xe tăng, 3.000 khẩu pháo và 3.700 máy bay bị phá hủy.

Các nhà nghiên cứu lịch sử thế giới nhận định, trận Kursk đánh dấu quá trình xuống dốc không thể đảo ngược của quân đội Đức Quốc xã. Các nhà khoa học quân sự thế giới đánh giá rất cao vai trò, vị trí của trận chiến tại vòng cung Kursk của Hồng quân Liên Xô và xem đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sau cuộc chiến này, Hitler đã mất hẳn quyền chủ động trên toàn mặt trận Xô - Đức. Đồng thời, chiến thắng tại vòng cung Kursk là minh chứng hào hùng về lòng quả cảm, tinh thần yêu nước quật cường của quân đội và nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Trận chiến cũng là điều kiện để Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức tiến tới giải phóng các nước Đông Âu sau đó không lâu.

T.Phong (tổng hợp)

  • Từ khóa
66607

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu