aA

Thế giới 08:29, 09/01/2019 GMT+7

Pháp xâm lược Việt Nam

Thứ 4, 09/01/2019 | 08:29:00 1,474 lượt xem
BP - Sau khi chiếm 6 tỉnh Nam kỳ vào tháng 7-1867, Pháp tìm mọi cách để xâm lược toàn bộ nước ta. Ngày 20-11-1873, Pháp nổ súng tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất. Quan trấn thủ Nguyễn Tri Phương tổ chức đánh trả nhưng bị thất bại. Pháp lần lượt đánh chiếm các thành Nam Định, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình sau đó không lâu.

Nhà Nguyễn sang cầu viện nhà Thanh và chiêu nạp thêm quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc (thuộc lực lượng Thái Bình Thiên Quốc) để đánh Pháp. Năm 1882, quân Thanh vượt biên giới tiến vào nước ta, đóng quân tại Bắc Ninh và Sơn Tây. Pháp và nhà Thanh bắt tay nhau phân chia ranh giới quản lý Bắc kỳ. Pháp tăng cường lực lượng và yêu cầu quan trấn thủ Hà Nội là Hoàng Diệu phải nộp thành. Sáng 25-4-1882, không cần đợi Hoàng Diệu trả lời, Pháp nổ súng tấn công. Quân triều đình tổ chức đánh trả nhưng nhanh chóng bị thất bại, Hoàng Diệu thắt cổ tự tử. Tháng 3-1883, quân Pháp đánh thành Nam Định. Do quân triều đình chuẩn bị tốt hơn nên cuộc chiến tại Nam Định diễn ra rất ác liệt và Pháp bị thiệt hại nặng nề. Cùng lúc, hơn 4.000 dân binh và các lực lượng chống đối tổ chức tấn công Pháp ở Hà Nội buộc chúng phải kéo quân về giải cứu. Ngày 14-5-1883, Pháp điều quân từ Trung Quốc sang hỗ trợ cho cánh quân ở Hà Nội. Để tránh bị thất bại, ngày 19-5-1883, Pháp rút lui về Sơn Tây nhưng bị quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc chặn đánh tại Cầu Giấy và giết chết sĩ quan chỉ huy cuộc hành quân là Đại tá Henri Rivière. Thất bại tại trận Cầu Giấy, quân Pháp chạy về thành Hà Nội cố thủ chờ tiếp viện.

Tháng 8-1883, Pháp tấn công và chiếm giữ cửa biển Thuận An ép triều đình Huế ký hòa ước chấp nhận sự bảo hộ của Pháp tại Bắc kỳ (Hòa ước Quý Mùi) và sau đó là Hòa ước Giáp Thân (1884). Sau khi khống chế được triều đình Huế, Pháp và Lý Hồng Chương ký Hiệp ước Thiên Tân (Trung Quốc) năm 1884. Theo hiệp ước này, quân Thanh rút về nước, còn Đại Nam đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. Tháng 6-1884, Pháp kéo đến đồn Bắc Lệ thì bị Nguyễn Thiện Thuật cùng quân Thanh chặn đánh. Sau đó, quân Thanh rút khỏi nước ta, người Pháp chiếm đóng các vị trí xung yếu tại Bắc kỳ, những lực lượng chống đối bị trấn áp, cuộc chiến chống Pháp xâm lược của nhân dân ta hoàn toàn thất bại. Nước Đại Nam sau gần 460 năm giành lại độc lập (tính từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn) rơi vào sự chiếm đóng của ngoại bang.

Theo các nhà sử học, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở thế kỷ XIX đã thể hiện rõ sự bạc nhược, bán nước cầu vinh của vua quan triều Nguyễn. Vì vua quan nhà Nguyễn không dự kiến được mối họa xâm lăng từ phương Tây, không chuẩn bị lực lượng để bảo vệ đất nước, không huy động được sức dân vào sự nghiệp chống xâm lược mà chỉ thỏa hiệp để giữ “ghế”, nên nước mất nhà tan.

T.P

        (Trích các sự kiện nổi bật trên thế giới)

  • Từ khóa
66660

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu