aA

Quốc phòng 09:23, 13/12/2022 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TỈNH BÌNH PHƯỚC (25-12-1945 - 25-12-2022)

Lực lượng vũ trang Bình Phước phát huy truyền thống 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

Thứ 3, 13/12/2022 | 09:23:08 1,111 lượt xem
BPO - Do đặc điểm về địa lý tự nhiên và địa lý quân sự, tỉnh Bình Phước có vai trò đặc biệt trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bình Phước đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ với những mất mát, hy sinh to lớn nhưng vẫn nắm chắc tay súng, đoàn kết một lòng, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo đóng góp công sức, trí tuệ, máu xương vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, giải phóng quê hương, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài 2
­­VIẾT TIẾP TRUYỀN THỐNG ĐOÀN KẾT, DŨNG CẢM, SÁNG TẠO

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Năm 1948, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ ra Chỉ thị xây dựng các trung đoàn bộ đội tập trung trên toàn xứ. Ngày 27-3-1948, Khu ủy Khu 7 họp hội nghị thảo luận việc xây dựng các trung đoàn trên địa bàn miền Đông Nam Bộ. Hội nghị quyết định trên cơ sở các chi đội có sẵn, phát triển thành các trung đoàn. Theo đó, Chi đội 1 của Thủ Dầu Một được đổi tên là Trung đoàn 301. Trung đoàn được biên chế thành 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 901 ở Lái Thiêu, Tiểu đoàn 902 ở Châu Thành, Tiểu đoàn 903 phụ trách Bến Cát, Hớn Quản, Lộc Ninh. Trung đoàn có cơ quan tham mưu, chính trị, quân nhu, quân y, công binh xưởng. Ban chỉ huy trung đoàn gồm đồng chí Nguyễn Văn Thi - Trung đoàn trưởng, đồng chí Đoàn Hữu Hòa và đồng chí Nguyễn Văn Ngọ - Trung đoàn phó, đồng chí Lê Đức Anh phụ trách LLVT Hớn Quản được điều về làm Chính trị viên Trung đoàn 301.

Việc thành lập Trung đoàn 301 của tỉnh Thủ Dầu Một là bước trưởng thành vượt bậc của LLVT tập trung; mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, chỉ huy và kinh nghiệm chiến đấu. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, quân và dân, trong đó có các quận phía Bắc thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay đã thu được nhiều kết quả bước đầu trong hoạt động quân sự ở khắp các địa phương.

Ngày 18-11-1949, Bộ Tư lệnh Nam Bộ ra Mệnh lệnh số 137 thành lập các liên trung đoàn. Trung đoàn 301 sáp nhập với Trung đoàn 310 thành Liên trung đoàn 301-310 do đồng chí Nguyễn Văn Thi làm Liên trung đoàn trưởng. Đồng chí Nguyễn Quang Việt công tác ở miền Tây Nam Bộ được Xứ ủy điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một kiêm Chính trị viên Liên trung đoàn 301-310. Liên trung đoàn này hoạt động chủ yếu trên 2 tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Đến đây, LLVT 3 cấp đã hình thành rõ rệt. Trên toàn tỉnh Thủ Dầu Một có tiểu đoàn chủ lực cơ động, huyện có đại đội độc lập và du kích tập trung, xã có du kích và tổ chức dân quân rộng rãi.

Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch biên giới. Để phối hợp với chiến trường chính, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 mở Chiến dịch Bến Cát. Đây là chiến dịch tiến công của bộ đội chủ lực ta trên chiến trường miền Đông. Khắp mọi nơi, từ Lộc Ninh, Hớn Quản, Thuận Lợi đến Đồng Xoài, Phước Vĩnh đều tham gia chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch. Mục đích của Chiến dịch Bến Cát là cắt đứt giao thông đường số 7 và phần lớn đường 14 để mở rộng căn cứ, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đẩy mạnh chiến tranh du kích. Đêm ngày 7, rạng sáng 8-10-1950, bắt đầu tiếng súng mở màn Chiến dịch Bến Cát. Sau hơn 1 tháng, các LLVT của ta đã diệt 509 tên địch, làm bị thương trên 100 tên khác, bắt 120 tên, 84 xe quân sự, 5 đầu máy xe lửa, đánh chìm 7 tàu chiến đấu, thu nhiều vũ khí, đạn và đồ dùng quân sự.

Tháng 5-1951, tỉnh Thủ Dầu Một và tỉnh Biên Hòa sáp nhập thành tỉnh Thủ Biên (địa bàn Hớn Quản, Bà Rá, Bù Đốp lúc này nằm trong địa phận tỉnh Thủ Biên). Từ giữa năm 1951, Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông chỉ thị mỗi tỉnh phải xây dựng một đội vũ trang tuyên truyền hoạt động ở vùng đồn điền cao su và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, tỉnh Thủ Biên có 458 du kích xã, 942 du kích tham gia lại, 832 du kích bí mật. Tháng 9-1952, Tỉnh đội thành lập Ban Dân quân chuyên trách chỉ đạo phong trào dân quân du kích trong toàn tỉnh. 

Từ tháng 9-1953 đến tháng 3-1954, trên địa bàn các quận phía Bắc Thủ Biên (Bình Phước ngày nay) xây dựng thêm nhiều đội du kích xã, số đội viên du kích tăng nhanh, dân quân tự vệ phát triển mạnh. Bộ đội tỉnh, huyện cùng dân quân du kích thực hiện đánh lẻ, tiêu hao lực lượng địch trên đường 13, 14. Tỉnh ủy Thủ Biên chủ trương mở đợt tấn công quân sự dồn dập vào các vùng tạm chiếm, tiêu hao sinh lực địch. LLVT kết hợp du kích đánh địch trên đường 13, 14, diệt hàng trăm tên, phá hủy nhiều xe quân sự; nhiều vùng bị chiếm trở thành vùng du kích, vùng du kích trở thành vùng tự do; các đường hành lang Hớn Quản, Lộc Ninh, Bà Rá, Đồng Xoài, Bù Đăng mở ra thông suốt, góp phần tạo thế, tạo lực cùng quân và dân cả nước tiến công địch trong chiến lược Đông - Xuân 1953-1954; đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ và anh dũng của quân và dân ta.

Kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, LLVT tỉnh Bình Phước phải tự vũ trang để bảo vệ lực lượng và đấu tranh, làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh chính trị. Bình Phước là một trong những địa bàn chiến lược, vì vậy Mỹ - ngụy đã tập trung xây dựng nhiều căn cứ quân sự, trung tâm huấn luyện nhằm ngăn chặn, đàn áp các lực lượng cách mạng của ta.

Sau Hiệp định Giơnevơ, Xứ ủy Nam Bộ quyết định giải thể Tỉnh ủy Thủ Biên, tháng 5-1961, thành lập tỉnh Bình Long, tỉnh Phước Long (thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay). Trong tình hình vô cùng khó khăn, nhưng được sự lãnh đạo trực tiếp và chặt chẽ của Tỉnh ủy, LLVT đã nhanh chóng thống nhất về tổ chức, làm tốt nhiệm vụ vũ trang, tuyên truyền, xây dựng lại cơ sở cách mạng; kết hợp chặt chẽ với công tác binh vận, diệt ác, phá kiềm, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong cao trào Đồng Khởi của nhân dân Bình Long và Phước Long.

Thời kỳ 1961-1965, LLVT tỉnh Bình Long, Phước Long không ngừng lớn mạnh theo đà phát triển của cuộc kháng chiến. Giai đoạn này, LLVT tỉnh Bình Long, Phước Long hình thành cơ cấu lực lượng 3 cấp mà nòng cốt là lực lượng bộ đội tập trung của tỉnh, nắm vững nhiệm vụ chính trị, bám chắc cơ sở và địa bàn, chủ động tấn công địch, sáng tạo trong tác chiến, nắm chắc quy luật hoạt động của địch... Những nỗ lực vượt bậc của LLVT tỉnh Bình Long, Phước Long trong xây dựng LLVT và tác chiến không chỉ có ý nghĩa đối với cách mạng của tỉnh mà còn góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của Chiến dịch Phước Long, Đồng Xoài (tháng 5-1965), đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai trên địa bàn tỉnh.

Trong chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ đã biến Bình Long, Phước Long thành địa bàn chiến lược quan trọng. Đây là thời kỳ LLVT Bình Long, Phước Long cùng các đơn vị của Miền phải chiến đấu trong điều kiện khó khăn, ác liệt với những đơn vị mạnh nhất của Mỹ - ngụy. Tuy nhiên, với lòng dũng cảm và sự hy sinh to lớn, quân và dân Bình Long, Phước Long đã lần lượt đánh bại các âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của địch, giữ vững trận địa, chủ động tiến công địch, cùng nhân dân miền Nam thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.

Trong những năm từ 1969-1972, LLVT tỉnh Bình Long, Phước Long luôn bám sát địa bàn, tổ chức đánh nhiều trận lớn góp phần cùng quân, dân cả nước buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán tại Paris. Trong giai đoạn 1972-1975, LLVT Bình Phước liên tục tiến công mở rộng vùng giải phóng; phối hợp với các lực lượng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Phước là chiến trường đầy khó khăn, ác liệt của miền Đông Nam Bộ, suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến đã phải trải qua nhiều thử thách cực kỳ gay gắt. Vào thời kỳ ấy, LLVT thương vong nhiều, quân số thiếu, thuốc chữa bệnh cạn kiệt, bộ đội phải ăn củ khoai, củ mì, rau rừng trong suốt thời gian dài. Nhưng trong 30 năm kháng chiến, LLVT Bình Phước vẫn bám chiến trường, chiến đấu liên tục cho đến chiến thắng cuối cùng.

Thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả

Tiếp nối truyền thống anh hùng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, bộ đội Bình Phước tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, xây dựng tuyến phòng thủ biên giới và tham gia nghĩa vụ quốc tế tại tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia.

10 năm (1979-1989) thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, LLVT Bình Phước luôn phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu đói, cứu đau; truy quét tàn quân Pol Pot, giúp nước bạn củng cố chính quyền cách mạng; ổn định đời sống nhân dân trong tỉnh và xây dựng LLVT các cấp vững mạnh.

Trong 10 năm thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn, Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh đã lãnh đạo tổ chức động viên đưa hơn 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và dân công lên đường làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Trong số đó tỉnh đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, đưa các đoàn chuyên gia Dân - Chính - Đảng và chuyên gia quân sự sang tỉnh Kratie (theo từng đợt); riêng Tiểu đoàn Phú Lợi có 2 đợt sang tỉnh Kratie kết nghĩa làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu và giúp bạn xây dựng lực lượng, cơ sở, chính quyền cách mạng. Trong 10 năm chiến đấu và công tác, cán bộ, chiến sĩ tình nguyện của LLVT tỉnh đã cùng bạn tổ chức truy quét bọn phản động Pol Pot gần trăm trận, bắt và tiêu diệt hơn 3.000 tên, thu hàng trăm khẩu súng các loại, phá hủy các vùng căn cứ của địch, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế mà Quân khu giao…

Hiện nay, tỉnh Bình Phước nói chung và LLVT tỉnh nói riêng luôn duy trì tốt quan hệ đối ngoại với 3 tỉnh giáp biên giới là Kratie, Tbong Khmum, Mundulkiri và các tỉnh Kampong Thom, Kampong Cham, Stung Treng của Vương quốc Campuchia. Mối quan hệ ngày càng được củng cố và phát triển thông qua các hoạt động thăm, chúc tết, giúp đỡ, giao lưu văn hóa - thể thao, giao ban định kỳ để trao đổi, nắm tình hình, ký kết kết nghĩa, tọa đàm sĩ quan trẻ... góp phần giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.


Trung tá Bùi Viết Hùng

Trưởng ban Tuyên huấn, Bộ CHQS tỉnh

  • Từ khóa
156993

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu