aA

Thời luận 06:13, 04/07/2024 GMT+7

Bình Phước - điểm đến hấp dẫn

Lâm Phương
Thứ 5, 04/07/2024 | 06:13:12 503 lượt xem
BPO - Sáng qua (3-7), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự khai mạc kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Bình Phước khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin rằng, với tinh thần đoàn kết, vươn lên mạnh mẽ, Bình Phước sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, sớm trở thành tỉnh công nghiệp, hiện đại, văn minh và là điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư trong vùng Đông Nam Bộ.

Mong muốn của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng chính là mong muốn của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, trong những năm qua, Bình Phước đã có nhiều chính sách thu hút ưu đãi và chủ động đón các làn sóng đầu tư. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới khu công nghiệp tại các địa phương trong vùng phía Nam và lân cận gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, các huyện Đồng Phú, Hớn Quản và Phú Riềng; đồng thời phấn đấu đến năm 2030 phát triển 35 cụm công nghiệp tại 11 huyện, thị xã. 

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước rất vui mừng khi mới đây, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) - tuyến cao tốc trọng điểm, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Cùng với việc tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ hình thành tuyến đường mới phá vỡ thế độc đạo của quốc lộ 14, kết nối Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua đó, tạo thế và lực để Bình Phước “cất cánh”, bởi các dự án hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đắk Nông đi Bình Phước về TP. Hồ Chí Minh cũng như tạo thuận lợi kết nối với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Ngoài những dự án trọng điểm nêu trên, Bình Phước cũng đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, hệ thống kết nối giao thông giữa các trục động lực phát triển của tỉnh; đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Lộc Ninh; tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên đoạn Chơn Thành - Đắk Nông; quy hoạch sân bay quân sự Téc-níc chuyển thành sân bay chuyên dùng Hớn Quản; đầu tư xây dựng 3 cảng cạn tại các huyện Lộc Ninh, Đồng Phú và thị xã Chơn Thành… Đồng thời đầu tư xây dựng khu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng mới, mở rộng quy mô, vận hành có hiệu quả các trung tâm logistics, kho hàng, kho ngoại quan gắn với các đô thị, khu công nghiệp, khu vực cửa khẩu, lối thông quan.

Song song đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được tỉnh thường xuyên rà soát, cập nhật để ban hành, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp tình hình thực tế của tỉnh. Ngoài chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ, tỉnh còn quy định một số chính sách ưu đãi đặc thù riêng cho xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch; chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ đối với dự án đầu tư các sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh; hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp… Trong đó, đặc biệt ưu tiên công tác cải cách hành chính với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thực hiện thủ tục hành chính. 

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng những chủ trương và định hướng đã đề ra cho thấy, Bình Phước đã hội tụ tất cả điều kiện thuận lợi để trở thành “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ cũng như cả nước. Đây còn là nền tảng vững chắc để Bình Phước phát triển mạnh trong những năm tới.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu