aA

Văn hóa và Con người Bình Phước 12:14, 23/05/2024 GMT+7

Phát huy đặc tính nổi trội của người Bình Phước

Khắc Hạnh
Thứ 5, 23/05/2024 | 12:14:28 2,001 lượt xem
BPO - Văn hóa được xem là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh của đất nước. Văn hóa là một trong 4 trụ cột chính của công cuộc đổi mới đất nước. Vì vậy, từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Điều này được thể hiện trong nhiều nghị quyết quan trọng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 33, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, với quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Quan điểm này không chỉ xác định vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước mà còn khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị và xã hội. Từ đó đến nay, qua các kỳ đại hội, nghị quyết của Đảng tiếp tục khẳng định và đặt ra các mục tiêu cho sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Kế thừa và phát huy giá trị truyền thống

Bình Phước có 41 thành phần dân tộc, hội tụ từ khắp mọi miền Tổ quốc đến sinh sống, lập nghiệp. Vì vậy, văn hóa Bình Phước hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng, có sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc từ nhiều vùng, miền trong cả nước. Trong những năm qua, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đạt nhiều kết quả quan trọng. Môi trường, nếp sống văn hóa chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” ngày càng phát huy hiệu quả. Những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương và các di sản văn hóa của tỉnh được kế thừa, bảo tồn và phát huy; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư. Ý thức tự cường, trách nhiệm công dân, tinh thần đoàn kết của người Bình Phước được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trên nhiều mặt làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân.

Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng

Bên cạnh kết quả đạt được thì việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước vẫn còn một số hạn chế như: Nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa; hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ, phương thức hoạt động chậm đổi mới; trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá tác phẩm văn học nghệ thuật còn thiếu các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; điều kiện hưởng thụ văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới còn nhiều khó khăn; việc chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp có nơi còn chưa được triển khai mạnh mẽ.

Nguyên nhân của những hạn chế có nhiều lý do, trong đó việc triển khai thực hiện đường lối văn hóa của Đảng có lúc, có nơi còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt. Trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với việc triển khai xây dựng và phát triển văn hóa chưa cao. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa thực sự tác động làm thay đổi tư duy, nhận thức, hành động về văn hóa trong tỉnh.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20-11-2023 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó, Đảng bộ tỉnh tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, cần phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong sự tổng thể, toàn diện, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa…

Lần đầu tiên Đảng bộ tỉnh có nghị quyết chuyên đề về văn hóa và Bình Phước cũng là một trong 3 tỉnh trên cả nước sớm đã ban hành nghị quyết chuyên đề về văn hóa. Từ thực tiễn lịch sử, vùng đất, con người Bình Phước, mục tiêu nghị quyết xác định: Xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập; vừa đậm đà giá trị văn hóa của dân tộc, vừa giàu có bản sắc của địa phương. Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời, phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. 

Như vậy, về mặt nhận thức có thể thấy rằng, các giá trị, mục tiêu nghị quyết đề ra có sự kế thừa các phẩm chất văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, đó là sự đa dạng, bản sắc và hội nhập, là sự kết hợp văn hóa tinh hoa của nhân loại với giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của dân tộc Việt Nam (truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, cần cù, chịu khó, thông minh, sự đa dạng và thống nhất trong văn hóa,…). Đồng thời, nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu phát huy các đặc tính nổi trội của người Bình Phước “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”. 

Triển khai đồng bộ và quyết liệt

Tại buổi làm việc vào ngày 2-4-2024 nghe một số sở, ngành báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết số 14 và cho rằng: Việc triển khai thực hiện nghị quyết được tiến hành hiệu quả, các nhóm nhiệm vụ phải xác định thật rõ đầu việc. Xây dựng con người Bình Phước cần nghiên cứu về chỉ số bình đẳng giới cũng như vận động việc xây dựng con người Bình Phước trong cộng đồng, xã hội và trường học. Về nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, cần đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền trực quan; chú trọng hội diễn nghệ thuật quần chúng. Ngoài ra, khuyến khích việc xây dựng văn hóa trong cơ quan, tổ chức các cuộc thi sáng tác, trại sáng tác những tác phẩm có giá trị, có sức lan tỏa về tư tưởng nghệ thuật.

Đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quán triệt, triển khai nghị quyết đến toàn bộ cán bộ, đảng viên trong tỉnh; các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đã có kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết. Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước theo Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 14-5-2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết. UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, hơn 98% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa. Hơn 98% thôn, ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; 95% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa… 100% lễ hội trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh được tổ chức định kỳ và có chất lượng. Các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị.

Định hướng phấn đấu đến năm 2045, 100% khu phố, thôn, ấp có nhà văn hóa - thể thao đạt chuẩn. 100% cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn quốc gia. 100% cấp huyện có trung tâm văn hóa, công viên văn hóa. 100% các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia, các di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. Đưa chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) của Bình Phước nằm trong nhóm từ 20-25 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước…

Có thể nhận thấy, Nghị quyết số 14-NQ/TU là sự nỗ lực, ý chí quyết tâm, kết tinh trí tuệ tập thể và là tình cảm mong muốn của người dân Bình Phước. Để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra phải có sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tin tưởng rằng với truyền thống anh hùng, bất khuất của người miền Đông Nam Bộ, sự đa dạng, bản sắc, hội nhập và những đặc tính nổi trội về sự hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo của con người Bình Phước, nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống.

  • Từ khóa
197273

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu