aA

Văn hóa và Con người Bình Phước 10:57, 06/06/2024 GMT+7

Để cồng chiêng vang mãi

Anh Tuấn
Thứ 5, 06/06/2024 | 10:57:10 2,000 lượt xem
BPO - Bù Đăng, vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa, là nơi sinh sống lâu đời của người S’tiêng và M’nông. Trong quá trình sinh sống, cộng đồng người S’tiêng và M’nông đã sáng tạo ra nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, trong đó nghệ thuật trình diễn cồng chiêng là điển hình nhất. Việc bảo tồn nghệ thuật trình diễn cồng chiêng không chỉ phát huy giá trị di sản văn hóa mà còn góp phần gắn kết cộng đồng, tạo sức mạnh nội sinh để phát triển bền vững.

Nét đẹp di sản

Nghệ thuật trình diễn cồng chiêng được người S’tiêng, M’nông gọi là Goong Xơn Gănt. Đây là một bộ phận không thể thiếu trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Năm 2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO tôn vinh là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”; năm 2008 chính thức nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, là danh hiệu thứ hai của Việt Nam.

Các nghệ nhân trình diễn chiêng trong lễ hội Mừng lúa mới của người S’tiêng tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Nghệ thuật trình diễn cồng và chiêng khác nhau. Đối với chiêng, người trình diễn thường ở tư thế khom lưng. Đánh chiêng phải dùng cả 2 tay, 1 tay nắm chặt và đánh ở mặt trước, 1 tay xòe ra, áp lòng bàn tay vào mặt sau của chiêng, 2 tay phải phối hợp nhịp nhàng thì chiêng mới phát ra âm thanh chuẩn và theo ý muốn của người trình diễn. Mỗi bài có tiết tấu khác nhau nên người trình diễn phải am hiểu để phối hợp nhịp tay, nhịp chân và giữa các thành viên trong đội. Đối với cồng, người trình diễn sẽ dùng dùi. Dùi được thiết kế bằng cao su để tạo âm và độ vang tốt, khi trình diễn không làm núm của cồng bị móp. Trong trình diễn cồng thường đi kèm với trống, người đánh trống sẽ đi đầu và giữ nhịp cho cả đội.

Các nghệ nhân trình diễn cồng trong lễ hội kết bạn cộng đồng của người M’nông ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng

Lễ hội kết bạn cộng đồng của người M’nông ở Bù Đăng

PGS.TS, giảng viên cao cấp Buôn Krông Tuyết Nhung, Trường đại học Tây Nguyên cho biết: “Cồng chiêng của người S’tiêng, M’nông có từ bao giờ vẫn luôn là câu hỏi chưa có lời giải, chỉ biết rằng cồng chiêng đã tồn tại lâu đời, đồng hành với lịch sử phát triển của người S’tiêng, M’nông. Cồng chiêng không chỉ có ý nghĩa về âm nhạc mà còn được coi là “hồn thiêng của dân tộc”, là “bản sắc”, “cội nguồn” cần trân trọng, gìn giữ và phát huy. Những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố, cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ mai một. Song song với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, chủ thể văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã và đang tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc của văn hóa cồng chiêng”. 

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng

Huyện Bù Đăng hiện có 13 đội cồng chiêng với khoảng 70 nghệ nhân biết nghệ thuật trình diễn cồng chiêng. Không như các loại hình nghệ thuật khác, trình diễn cồng chiêng mang ý nghĩa nghi lễ và tâm linh. Tuy nhiên hiện nay, việc trình diễn cồng chiêng không còn phổ biến trong các hoạt động văn hóa cộng đồng nữa, việc truyền dạy cho thế hệ kế tục cũng gặp nhiều khó khăn. Nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, những năm gần đây, huyện Bù Đăng đã khảo sát, củng cố các đội cồng chiêng, xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện và trình diễn tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.

Du khách chụp hình lưu niệm cùng các nghệ nhân trình diễn chiêng tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Từ năm 2018 đến nay, huyện đã tổ chức hơn 150 chương trình trình diễn cồng, chiêng tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, ở các huyện, thị, thành phố trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, huyện đã đưa đội trình diễn cồng chiêng của sóc Bom Bo tham gia chương trình giao lưu văn hóa dân tộc với văn hóa Hàn Quốc và lưu diễn tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Hà Nội). Bên cạnh đó, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tổ chức Liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số, phục dựng lễ hội truyền thống. Cụ thể, đã có khoảng 50 tiết mục trình diễn cồng chiêng được trình diễn tại các liên hoan, lễ hội. Phối hợp xây dựng 14 phóng sự về nghệ thuật trình diễn cồng chiêng của người S’tiêng, M’nông và phối hợp chế tác bộ cồng, chiêng lớn nhất Việt Nam đặt tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. 

Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo ngành văn hóa nghiên cứu xây dựng mô hình “làng văn hóa động” tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, phát triển nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời đưa nghệ thuật trình diễn cồng, chiêng của người S’tiêng, M’nông thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện, để cồng chiêng mãi ngân vang.

Bù Đăng luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững của huyện. Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một giải pháp để huyện tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng THỊ DIỆU HIỀN


  • Từ khóa
198090

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu