aA

Chính trị 09:56, 04/05/2024 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 - 7-5-2024)

Bài 1: Tầm vóc và thần thái Điện Biên Phủ

Nguồn Báo điện tử Đại biểu Nhân dân
Thứ 7, 04/05/2024 | 09:56:57 756 lượt xem
Lời tòa soạn: Trong rất nhiều cách đo sức sống một hiện tượng tự nhiên, sự kiện lịch sử xã hội, thì thời gian là một thước đo tiêu biểu. Nhưng, đồng thời, cùng với thời gian, một đại lượng quan trọng hơn để đo không chỉ sức sống mà sự trường tồn của sự kiện, là hiệu ứng lịch sử, tính chất, quy mô và chiều sâu ảnh hưởng đối với tiến trình phát triển của đất nước, của thời đại cũng như sự phát triển của lịch sử xã hội và con người.

Nhân kỷ niệm tròn 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024), Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản về tầm vóc, ý nghĩa và giá trị của sự kiện lịch sử trọng đại này.

Tròn 70 năm trôi qua, kể từ thời khắc trận quyết chiến chiến lược thắng lợi tại Điện Biên Phủ, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh và trường kỳ suốt 9 năm của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, dưới ngọn cờ của Đảng! Đó là một mốc son chói lọi trong toàn bộ tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trải mấy nghìn năm.

Điện Biên Phủ - “danh từ chung” của nhân loại tiến bộ

Tròn 70 năm qua, kể từ thời khắc ấy, vượt qua giới hạn địa lý nhỏ hẹp vùng Tây Bắc Việt Nam, Điện Biên Phủ trở thành “danh từ chung” của nhân loại tiến bộ khắp từ châu Á sang châu Phi tới châu Mỹ La-tinh; vượt qua tầm vóc và khuôn khổ dân tộc, Điện Biên Phủ trở thành sức mạnh lịch sử làm thay đổi số phận thế giới, là sự cổ vũ rộng lớn, mạnh mẽ và sâu sắc các dân tộc thuộc địa ngẩng cao đầu phá tung xích xiềng nô lệ và lệ thuộc, bởi đủ hạng chủ nghĩa thực dân, suốt mấy trăm năm qua.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" cho những chiến sĩ lập công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Xét dưới mọi chiều kích, Điện Biên Phủ phá vỡ mọi giới hạn, vượt qua một sự kiện và xứng đáng được đo và phải đo bằng cách ấy.

Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những trang chiến thắng hiển hách nhất và vĩ đại nhất!

Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam độc lập, vừa thoát khỏi gông cùm đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp sau hơn 80 năm lại bắt tay ngay vào cuộc kháng chiến 9 năm “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” chống chính thực dân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Sức mạnh Việt Nam ‘chúng chí thành”, dưới ngọn cờ của Đảng, tỏa sáng và trở thành sức mạnh vô địch!

Chỉ bằng 56 ngày đêm, Việt Nam buộc thực dân Pháp phải quỳ gối quy hàng tại Điện Biên Phủ. Và, cùng với các chiến thắng khác trên chiến trường Đông Dương, chiến thắng quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva, công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương.

Đó là chiến thắng chưa hề có trong lịch sử dân tộc.

Tiếp nối Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… Điện Biên Phủ trên mặt đất Tây Bắc trở thành một những “cây mốc bằng vàng” trong lịch sử oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam”[1]. 18 năm sau đó, với “Điện Biên Phủ trên không” (từ ngày 18 đến 29-12-1972) - “khúc nhạc mở màn cho bản trường ca chống Mỹ, cứu nước”[2]của Nhân dân ta, đã giáng một đòn cân não quyết định thắng lợi vẻ vang trên bàn đàm phán, ngày 27-1-1973, với bản Hiệp định Paris, về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Hai bản Hiệp định - hai Điện Biên Phủ mặt đất và bầu trời của hai thời kỳ giữ nước Việt Nam!

“Ngọn lửa Điện Biên Phủ” - lời giải cho phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới

Nhưng, sự vĩ đại của Điện Biên Phủ không chỉ nằm ở tầm vóc của chiến thắng mà còn ở phương pháp tạo nên chiến thắng.

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chiều 7.5.1954 Ảnh: Tư liệu TTXVN
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chiều 7-5-1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trước Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân Pháp chưa bao giờ thất bại trên chiến trường chinh phạt thuộc địa khắp Á, Phi…, chưa một nước nhỏ nào đánh thắng chiến tranh xâm lược của một đế quốc lớn thì Điện Biên Phủ đã làm được cái điều mà chính giới thực dân cho là “không tưởng” ấy. Hơn cả một chiến thắng vào ngày 7-5-1954:Đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp. Các tướng lĩnh thực dân Pháp xâm lược Việt Nam từng thống lĩnh một đội quân chinh phạt và ngạo mạn và quen với “chiến thắng”, thì tới Điện Biên Phủ, sự ngông cuồng đó lại trở thành nỗi bất hạnh đau đớn, vì bị bẻ gãy và trừng phạt đích đáng. Bởi, họ phải đương đầu với một cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng “khổng lồ” mà Điện Biên Phủ là đỉnh cao sức mạnh Việt Nam!

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chỉ cần 56 ngày, như một khoảnh khắc của lịch sử dân tộc, nhưng là một bước tiến dài của tầm nhìn, trí tuệ, khí phách và sức mạnh Việt Nam trên con đường giữ gìn và phát triển nền độc lập và tự do; làm rạng rỡ văn hóa giữ nước Việt Nam trong thời đại mới, dưới ngọn cờ của Đảng!

TS. Nhị Lê

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chỉ cần 56 ngày, như một khoảnh khắc của lịch sử dân tộc, nhưng là một bước tiến dài của tầm nhìn, trí tuệ, khí phách và sức mạnh Việt Nam trên con đường giữ gìn, phát triển nền độc lập và tự do; làm rạng rỡ văn hóa giữ nước Việt Nam trong thời đại mới, dưới ngọn cờ của Đảng!

Đó là chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”!

Một cách tự nhiên, vượt lên tất cả mọi sự hạ thấp và bôi nhọ, mạnh hơn mọi lời tranh cãi và phủ nhận, Điện Biên Phủ, tự nó đã là “ngọn núi trong dãy Hoàng Liên” mang tầm vóc không chỉ là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của Việt Nam mà còn tỏa hào khí độc lập tự do khắp nhân gian hoàn cầu trong cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc nô lệ và lệ thuộc khỏi nanh vuốt của chủ nghĩa thực dân lúc bấy giờ.

Trong lịch sử nhân loại, trước Điện Biên Phủ, chưa có một nước nhỏ nào đánh thắng chiến tranh xâm lược của một đế quốc lớn; càng chưa có một nước thuộc địa nào dùng phương pháp hòa bình buộc chủ nghĩa đế quốc trao trả nền độc lập thực sự. Điện Biên Phủ lật nhào những điều tưởng như tiền định đó! Và, chiến thắng ấy chính là sự giải đáp cho những câu hỏi của lịch sử nhân loại: Làm gì và làm như thế nào… để giành lại độc lập tự do đối với các dân tộc nô lệ, lệ thuộc từ châu Á sang châu Phi tới châu Mỹ La-tinh đã vật vã hàng trăm năm tới lúc bấy giờ, vẫn đang kiếm tìm lời giải đáp.

Đó là trận “Van-my của các dân tộc da màu”!

Vì thế, Điện Biên Phủ không chỉ là một “danh từ riêng” mà đã trở thành “danh từ chung” của nhân loại và “một động từ” trong cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và nô lệ. Điện Biên Phủ đã góp một phần cống hiến to lớn và quan trọng về tinh thần, khí phách vào sự nghiệp chung của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới trong cuộc đánh lùi một bước và đánh đổ một bộ phận quan trọng của chủ nghĩa đế quốc, đưa cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức phát triển lên một quy mô mới, với tốc độ mới và chất lượng mới chưa từng có, từ sau Điện Biên Phủ Việt Nam.

Ngày 1-11-1954, “ngọn lửa Điện Biên Phủ” vượt qua các đại lục và đại dương, cháy sáng trên núi rừng Oret, cổ vũ nhân dân Algeria bước trên con đường mà Việt Nam đã đi; vượt qua Thái Bình Dương tới tận cửa ngõ nước Hoa Kỳ, cháy sáng núi rừng Sierra Maestra của đất nước Cuba, làm dấy lên một cuộc vũ trang thắng lợi, đã đảo lộn tình hình ở vùng biển Caribe và đưa châu Mỹ La-tinh bước vào tình thế sục sôi cách mạng chưa từng thấy… Châu Phi vùng lên! Lục địa Mỹ La-tinh “bùng cháy”!

Với thắng lợi Điện Biên Phủ, trong lịch sử loài người lần đầu tiên, thời đại nước lớn có thể chi phối vận mệnh của nước nhỏ đã chấm dứt, thời đại các dân tộc có thể tự quyết định lấy vận mệnh của mình, thời đại mà sự đoàn kết quốc tế chân chính có thể thực hiện được đã bắt đầu.

Nhớ lại lúc bấy giờ, những năm 50 của thế kỷ XX, dù trước sự nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc khiến chủ nghĩa thực dân, đế quốc tuy suy yếu trầm trọng nhưng chúng câu kết với nhau ngày càng chặt chẽ mưu toan trở lại thuộc địa cũ và đẩy phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới bước vào giai đoạn rất khó khăn và đầy thử thách. Ở châu Phi, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nigeria, Morroco, Algeria... chống ách thống trị chủ nghĩa thực dân liên tiếp bị dập tắt. Nhiều quốc gia ở châu Á như Philippines, Indonesia, Malaysia, Miến Điện... bị các nước đế quốc phương Tây núp dưới danh nghĩa Đồng minh đàn áp hoặc trao trả độc lập giả hiệu. Trong lúc này, phong trào cách mạng đấu tranh chống chế độ độc tài thân Mỹ dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro cũng chưa giành được thắng lợi quyết định. Phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Á, Phi, Mỹ La-tinh tuy có bước phát triển mới nhưng chưa giành được thắng lợi hoàn toàn.

Các quốc gia dân tộc lệ thuộc vẫn đi tìm lời giải cho câu hỏi:Có thể đánh thắng được chủ nghĩa thực dân không? Và nếu có thì bằng cách nào, lộ trình, bước đi của các công cuộc giải phóng này ra sao?

Câu trả lời đó được vang lên từ Việt Nam bằng sự kết tinh, hội tụ và tỏa sáng sức mạnh ở Điện Biên Phủ. Việt Nam đã giải đáp cho câu hỏi lớn mà phong trào giải phóng dân tộc khắp trên thế giới và khát vọng độc lập dân tộc mà thời đại đang trả bằng máu để kiếm tìm.

________

[1]Võ Nguyên Giáp: 35 năm sau suy nghĩ về Điện Biên Phủ, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, 4.1989, tr. 8.

[2]Trường Chinh: Kỷ niệm lần thứ 30 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 13.

  • Từ khóa
195751

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu