aA

Tư liệu 14:38, 30/10/2019 GMT+7

Cuộc chiến tranh Đức - Đan Mạch

Thứ 4, 30/10/2019 | 14:38:00 4,391 lượt xem

BP - Cuối tháng 5-1939, Đan Mạch và Đức ký kết hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau trong thời hạn 10 năm. Tuy nhiên, do lo ngại Anh, Pháp sẽ triển khai quân tại các nước Bắc Âu tấn công nên Hitler muốn tiến quân vào Đan Mạch, vừa bảo vệ Đức từ phía Bắc vừa làm bàn đạp cho các chiến dịch quân sự tại Na Uy, Thụy Điển. Thời điểm Đức tấn công Đan Mạch được Hitler ấn định vào ngày 9-4-1940.

Về phía Đan Mạch, sau khi ký hiệp ước với Đức, Đan Mạch đã hạn chế các hoạt động quân sự và bắt đầu dỡ bỏ một số bãi mìn đã được thả trước đó. Kế hoạch xâm lược của Đức, người Đan Mạch đã nắm được thông tin nhưng họ sợ vi phạm hiệp ước 2 bên đã ký nên không triển khai quân đối phó. Mãi đến ngày 8-4, Đan Mạch mới mở kho cấp đạn thật và chuẩn bị phương tiện, chia quân để ứng phó trong tình huống khẩn cấp... 4 giờ 15 phút ngày 9-4, một tiểu đoàn bộ binh Đức đổ bộ lên bờ biển Gedser, phá hủy hệ thống liên lạc của Đan Mạch. Cùng lúc, đại sứ Đức giao công hàm yêu cầu Đan Mạch phải chấp nhận sự chiếm đóng của mình. Tiếp đó, hơn 40.000 lính của Đức chia thành nhiều hướng tràn vào lãnh thổ Đan Mạch. Gần 5 giờ sáng 9-4, cuộc đụng độ đầu tiên giữa quân đội Đan Mạch và Đức đã nổ ra tại khu vực Lundtoftbierg. Đức điều thêm xe tăng đến tấn công, buộc quân Đan Mạch phải rút lui. Lúc này, Đan Mạch ra lệnh báo động, đặt quân đội trong tình trạng chiến đấu. Quân Đan Mạch cũng tổ chức đánh trả và đẩy lùi được nhiều đợt tấn công của quân Đức ở một số nơi.

6 giờ sáng 9-4, nhận thấy tình hình ngày càng bi đát, vua và Chính phủ Đan Mạch quyết định đầu hàng Đức để tránh cho thủ đô khỏi số phận như Warsaw của Ba Lan năm 1939. Đến 6 giờ 20 phút ngày 9-4-1940, lệnh đầu hàng mới về đến các đơn vị của Đan Mạch. Trong khi đó, nhiều nơi như Jutland, Bredevad, Haderslev... lính Đan Mạch vẫn bất chấp thượng lệnh, tấn công quân Đức và gây ra nhiều thiệt hại đáng kể cho đối phương. Đến gần 12 giờ trưa 9-4-1940, quân Đan Mạch chính thức buông súng đầu hàng Đức. Không như các nơi khác, Đức cho Đan Mạch hưởng một chế độ chiếm đóng ôn hòa hiếm có. Vua và Chính phủ Đan Mạch tiếp tục hoạt động bình thường, không thay đổi so với trước khi Đức xâm lược.

 Các nhà sử học đánh giá, cuộc chiến giữa Đức và Đan Mạch diễn ra ngắn ngủi nhất đồng thời cả 3 mặt trận đất liền, trên biển và trên không. Với cuộc tấn công này, Hitler đã cho thế giới thấy được bản chất thật của chủ nghĩa phát xít và sự lật lọng của mình khi vi phạm thỏa thuận không xâm phạm lẫn nhau mà Đức đã ký kết với Đan Mạch.

T.P (Trích các sự kiện nổi bật trong lịch sử)

  • Từ khóa
66740

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu