aA

Góc nhìn thẳng 09:25, 09/05/2024 GMT+7

Đóng vai người tử tế

Tiên Chế
Thứ 5, 09/05/2024 | 09:25:13 588 lượt xem
BPO - Người tử tế là người luôn sống lương thiện, chân thực, không gian dối, vụ lợi, đúng với lương tâm và cảm xúc của mình. Tuy nhiên, bên cạnh những người tử tế luôn có những kẻ đóng vai người tử tế. Những kẻ này vì mục đích và động cơ nào đó đã cố tình sống không đúng với bản chất của mình, giả làm người tử tế để lấy lòng, nhận được sự ủng hộ của người khác. Vũ Việt là một kẻ đóng vai như vậy.

Với bài viết “Đoàn quân sau ngày giải phóng” đăng trên facebook Việt Tân ngày 29-4-2024, Vũ Việt đã thể hiện vai diễn người tử tế để xuyên tạc về chính sách đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Hắn cho rằng lao động Việt Nam qua các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc là “tha hương cầu thực”. Nhưng được đi như vậy còn may bởi vì như thế đã hơn rất nhiều thanh niên khác đang sống vất vưởng, phi pháp ở khắp các chân trời góc bể của thế giới. Cuối cùng hắn kết luận thân phận các tầng lớp nhân dân dưới chế độ cộng sản “nhục nhằn” không bao giờ hết. 

Thật nực cười với những giọng điệu “giả nhân, giả nghĩa” của Vũ Việt. Lao động là quyền của mỗi công dân được tự do lựa chọn ngành nghề phù hợp với trình độ, năng lực, không vi phạm pháp luật. Đây là điều mà Nhà nước luôn khuyến khích và tạo điều kiện, trong đó có đi lao động ở nước ngoài. Thế nhưng Vũ Việt đã đóng vai làm người tử tế, giả vờ đồng cảm với những người lao động để rồi tạo nên cái nhìn tiêu cực, xuyên tạc bản chất của việc xuất khẩu lao động.

Xuất khẩu lao động là một hình thức chuyển dịch lao động từ nơi có nguồn lao động dồi dào đến nơi có nhu cầu việc làm cao hơn. Trên thế giới, việc xuất khẩu lao động đã trở thành một chính sách quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, lại có những kẻ mang suy nghĩ phản động, cố tình bôi nhọ hoạt động này. Trên không gian mạng, chúng ra sức rêu rao đất nước không tạo việc làm cho người dân, khiến người dân phải “tha hương cầu thực”; xuất khẩu lao động khiến Việt Nam mất đi nguồn nhân lực, rường cột cho sự phát triển của đất nước; xuất khẩu lao động khiến đất nước “chảy máu” chất xám... Những đối tượng này thậm chí đã lợi dụng tình hình lao động Việt Nam ở nước ngoài có thời điểm gặp khó khăn để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc xuất khẩu lao động. Chúng tố cáo Việt Nam có mạng lưới buôn người một cách hệ thống, bài bản thông qua hoạt động xuất khẩu lao động hoặc đưa lao động “chui” ra nước ngoài. Chúng lu loa chế độ chính trị xã hội ở Việt Nam đã khiến người dân phải bỏ quê hương mà đi, “báo hiệu cái chết đang đến gần của chế độ xã hội chủ nghĩa”. Chúng còn hướng đến những góc nhìn tiêu cực, không khách quan về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam cho một bộ phận người dân trong và ngoài nước.

Trong giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tạo lập được nhiều mối quan hệ kinh tế quốc tế, trong đó có cả việc hợp tác xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn là xu hướng chung của các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên gần đây, một số thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã cố tình lan truyền thông tin sai lệch, xuyên tạc về chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc tổ chức, phối hợp đào tạo và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những thông tin xuyên tạc này nhằm gây hoang mang, lo lắng, hoài nghi về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam đối với người lao động. Đồng thời, làm giảm sự nhiệt huyết của những người lao động có ý định ra nước ngoài làm việc và cả công dân Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Thông tin xuyên tạc này còn phủ nhận những nỗ lực cũng như kết quả của cơ quan chức năng Việt Nam trong công tác quản lý di cư và bảo vệ công dân. Mục đích của những thế lực này nhằm hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trên thực tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có hoạt động xuất khẩu lao động. Trong quá trình toàn cầu hóa, sự trao đổi lao động giữa các nước là rất phổ biến và điều đó không chỉ có ở Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 500 ngàn lao động đang làm việc tại gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đồng thời, Việt Nam cũng tiếp nhận hơn 100 ngàn lao động nước ngoài đến làm việc. Trong số đó, có cả những lao động đến từ các nền kinh tế phát triển trên thế giới. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 10 năm qua, Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép đưa người lao động đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ; mỗi năm đã giải quyết việc làm bình quân cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động trong và ngoài nước. Lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về đạt khoảng 17-18 tỷ USD mỗi năm, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. 

Đối với những cáo buộc Việt Nam sử dụng hoạt động xuất khẩu lao động để mua bán người của các đối tượng thù địch là hết sức nực cười và phi lý. Chúng đã phớt lờ thực tế rằng, đối với hoạt động đấu tranh vấn nạn mua bán người, Việt Nam đã có những nỗ lực lớn nhằm ngăn chặn thực trạng này. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc tham gia Công ước quốc tế về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; tham gia Nghị định thư về phòng, chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Cần nhìn nhận đúng thực tế tình trạng buôn bán người vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp trên toàn thế giới, gây nhức nhối và dai dẳng. Điều này xuất phát từ nhu cầu nôn nóng muốn tìm việc ở nước ngoài mà nhiều người dân đã mắc lừa các tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp. Cuối cùng, họ trở thành nạn nhân của các đối tượng buôn người. Thế nhưng, Chính phủ Việt Nam với nỗ lực và quyết tâm cao vẫn luôn cố gắng bảo đảm quyền lợi cho mỗi người dân.

Đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc là chủ trương đúng đắn và đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động cũng như phát huy nguồn lực của lực lượng lao động ngoài nước đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Những luận điệu phản đối chủ trương này đều dựa trên các phân tích thiếu cơ sở, cho thấy một góc nhìn thiển cận, thiếu hiểu biết về đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Những giọng điệu phỉ báng, xuyên tạc vấn đề xuất khẩu lao động suy cho cùng cũng chỉ là chiêu trò hèn hạ, lạc lõng của những kẻ đóng vai người tử tế.

  • Từ khóa
196192

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu