aA

Thời luận 11:40, 06/11/2020 GMT+7

Vì một Bình Phước không “vùng lõm” công nghệ

Ngọc Tú
Thứ 6, 06/11/2020 | 11:40:06 782 lượt xem
BPO - Lãnh đạo tỉnh Bình Phước vừa có buổi làm việc với Tập đoàn VNPT để trao đổi, cùng triển khai những phần việc liên quan tới đề án “Địa phương thông minh tỉnh Bình Phước giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” đang được UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

Thời gian qua, VNPT đã giúp Bình Phước xây dựng, đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh (IOC). Trung tâm đã gặt hái được những thành công ban đầu, được Trung ương và một số tỉnh, thành bạn đánh giá cao. Đơn cử như: xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu tập trung; hoàn thành hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội của tỉnh kết nối với hệ thống Văn phòng Chính phủ; đẩy mạnh lắp đặt, phủ sóng, nâng cấp mở rộng mạng 3G/4G/5G và mạng cáp quang, đảm bảo cung cấp các kết nối dung lượng lớn, chất lượng cao…

Với một người dùng điện thoại thông minh, ai cũng đều nhìn thấy công nghệ đã mang lại cho con người những lợi ích sát sườn, như: kết nối xã hội nhanh và rộng khắp trên một “thế giới phẳng”, tăng tốc độ giao tiếp theo cấp số nhân, làm việc đa năng, mở rộng cơ hội học tập.

Công nghệ số cũng giúp máy móc trở nên thông minh hơn, lưu trữ một lượng lớn thông tin trong không gian tương đối nhỏ, nhân bản chính xác. Người dân nâng cao đời sống tinh thần từ những giải trí cùng lượng khổng lồ tin tức mà công nghệ 4.0 đem lại… chỉ tích hợp trên một điện thoại thông minh kết nối internet…

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước đề xuất VNPT tiếp tục hỗ trợ triển khai thí điểm phần mềm quản lý đất đai đồng bộ trên cổng dịch vụ công; kết nối ngành thuế, thanh toán trực tuyến, tiến đến xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn tỉnh; phát triển mạng di động, cáp quang khu vực biên giới kết hợp lắp đặt hệ thống camera giám sát; phát triển cao hơn chức năng của Trung tâm IOC, trong đó có App IOC để phục vụ lãnh đạo điều hành tập trung các vấn đề trọng tâm, tiêu điểm…

Bình Phước cũng đề nghị VNPT cùng tham gia hiện thực hóa chủ trương của tỉnh về thúc đẩy công nghệ khu vực vùng sâu, xa, vùng tập trung dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Mà cụ thể, thiết thực nhất là triển khai chính sách hỗ trợ smartphone cho 12.000 hộ nghèo, cận nghèo dùng để tiếp cận thông tin.

Khi nghèo, người dân sẽ không thể và không có điều kiện để quan tâm tới công nghệ. Nhưng được hỗ trợ miễn phí, thông tin sẽ đến được với người dân. Từ đó, tác động tới tư duy, nhận thức để mỗi người kết nối và nỗ lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, tự tạo nên giá trị tinh thần cho bản thân…

Bình Phước quyết tâm thực hiện chuyển đổi từ chính quyền điện tử sang chính quyền số. Trước mắt, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: kinh tế số, giáo dục thông minh, giao thông thông minh; giúp tỉnh đào tạo đội ngũ công nghệ thông tin, công dân điện tử…

Quyết tâm đã rất cụ thể, rõ ràng. Hy vọng tương lai gần, Bình Phước sẽ có bước bứt phá mạnh mẽ để tiến tới một địa phương thông minh, gắn liền với chính quyền số.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu