aA

Góc nhìn thẳng 05:24, 14/07/2021 GMT+7

Dã tâm đen tối

Nhật Minh
Thứ 4, 14/07/2021 | 05:24:00 373 lượt xem
BPO - “Đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” là một dã tâm của Trung Quốc ở biển Đông. Tháng 5-2008, Trung Quốc đã đệ trình lên Liên hợp quốc tấm bản đồ “đường chín đoạn”. Trong đó, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13km2 diện tích đất trên biển Đông, gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và bãi cạn Scarborough. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã và đang thực hiện chiến lược độc chiếm biển Đông bằng thủ đoạn gặm nhấm tinh vi nhưng vô cùng xảo quyệt. Trước hết, họ đẩy mạnh tuyên truyền bằng mọi phương thức, thủ đoạn nhằm biến không thành có đối với “đường lưỡi bò”. Thủ đoạn thâm độc này nguy hiểm ở chỗ nếu chúng ta không cực lực phản đối thì coi như nó là có thật.

Ngày 15-5-2020, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với bà Lynette Moey Yu Lin - người Malaysia gốc Trung Quốc, là Tổng giám đốc Công ty Bayer Việt Nam. Tại buổi làm việc, bà Lynette thừa nhận đã gửi tệp tin về phòng, chống đại dịch Covid-19 cho 9 người để biết về phương thức ứng phó dịch. Trong đó có một trang có chứa hình ảnh bản đồ không thể hiện đúng chủ quyền quốc gia Việt Nam. Sau đó, bà Lynette đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật thu hồi thư điện tử nêu trên. Thanh tra sở đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Lynette theo quy định tại điểm b, khoản 7, Điều 102, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Trước đó, ngày 5-11-2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ thuộc Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã phát hiện một lô hàng gồm 7 xe ôtô loại 5 chỗ, hiệu Hanteng, nhập từ Trung Quốc có định vị bản đồ chứa “đường lưỡi bò”. Khi những xe này bật máy khởi động, trong phần ứng dụng định vị dẫn đường trên màn hình trong xe hiển thị hình ảnh nghi có “đường lưỡi bò” phi pháp. Doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục nhập khẩu đối với lô hàng nêu trên là Công ty TNHH ôtô Hoa Mai có địa chỉ tại quốc lộ 10, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, TP. Hải Phòng. Chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc là vô cùng thiêng liêng, tất cả hành vi vi phạm, không tôn trọng chủ quyền này đều phải bị xử phạt nghiêm khắc. Vì thế, Tổng cục Hải quan yêu cầu gỡ bỏ bản đồ đường lưỡi bò vi phạm, đồng thời tịch thu số xe nêu trên để sung công quỹ.  

Tiếp đó, từ cuối tháng 9-2019, bộ phim hoạt hình Everest - người tuyết bé nhỏ đã được quảng bá rầm rộ tại Việt Nam. Một trong 2 nhà đồng sản xuất là Công ty Pearl Studio của Trung Quốc. Nội dung bộ phim xoay quanh cô gái tuổi teen tên Yi vô tình phát hiện một người tuyết tên Yeti trên mái nhà của khu căn hộ cô sống tại Thượng Hải (Trung Quốc). Yeti được Yi và nhóm bạn đặt tên là “Everest”. Sau đó, các bạn trẻ này cùng lên đường giúp Yeti quay trở về dãy Himalaya. Về nội dung bộ phim không có gì để nói, nhưng điều gây bức xúc đối với khán giả Việt Nam là hình ảnh “đường lưỡi bò” trong tấm bản đồ Trung Quốc trên sân thượng của nhà Yi. Đã vậy, hình ảnh “đường lưỡi bò” còn xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh của bộ phim này. Ngay trong phần trailer với phụ đề tiếng Việt mà Công ty CJ CGV phát hành, người xem cũng dễ dàng nhìn ra tấm bản đồ có “đường lưỡi bò” mà nhân vật chính Yi treo trên tường trong căn phòng nhỏ của cô bé.

Chưa hết, bản đồ có “đường lưỡi bò” còn xuất hiện cả trong giáo trình của Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Cụ thể là trong cuốn Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese”, bản đồ mô tả lãnh thổ Trung Quốc và có thêm “đường lưỡi bò” được in to, rõ nét. Còn ở trong cuốn Nghe sơ cấp 1 “Developing Chinese”, hình ảnh in nhỏ hơn. Đây là giáo trình dạy và học tập dành cho sinh viên năm nhất, Khoa Trung - Nhật. Khi sử dụng, sinh viên phát hiện nên báo với lãnh đạo khoa và nhà trường. Khi kiểm tra, nhà trường mới biết bản đồ có “đường lưỡi bò” xuất hiện trong bài 7 cuốn giáo trình do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh phát hành. Giáo trình nêu trên là do giảng viên, sinh viên nhà trường đã sang Bắc Kinh tập huấn và mang về, nhưng nhà trường đã sơ suất trong khâu kiểm tra, kiểm duyệt.

Ngày 15-10-2019, một du khách ở TP. Hồ Chí Minh đến trụ sở của Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist để tìm hiểu chương trình du lịch tới Đài Loan và được nhân viên của công ty giới thiệu cẩm nang quảng bá tour du lịch Trung Quốc. Cụ thể là tour Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn. Trong ấn phẩm này, ở 2 trang cuối có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp. Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist đã thừa nhận có sự việc này và cho biết ấn phẩm nói trên do đối tác ở Trung Quốc là Công ty Trung Thế có văn phòng tại Trương Gia Giới cung cấp.

Ngày 1-9-2020, có 4 doanh nghiệp ở tỉnh Hải Dương đã bị cơ quan công an tỉnh này mời lên làm việc, gồm: Văn phòng chi nhánh Công ty TNHH MTV Dầu Vila, Công ty TNHH hóa mỹ phẩm Hồng Đạt, Công ty TNHH bao bì Hoa Long và Văn phòng Công ty TNHH MTV công nghiệp Tân Cường Phong. Trước đó, công an đã thu giữ 6 tờ bản đồ treo tại văn phòng làm việc của 4 doanh nghiệp nói trên. Trên 6 tấm bản đồ in chữ Trung Quốc, ở phần chú thích ghi bằng tiếng Anh thể hiện vùng biển Đông của Việt Nam là biển phía Nam của Trung Quốc. Sau khi phát hiện, công an đã tiến hành lập biên bản thu giữ tấm bản đồ, tiêu hủy, xử phạt theo quy định.

Mới đây, một loạt thương hiệu thời trang nổi tiếng như: H&M, Louis Vuiton, Gucci, Chanel đã bị cơ quan chức năng phát hiện dùng bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên website phiên bản tiếng Trung. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Ngày 1-7-2021, Công ty Netflix đã phải gỡ bỏ bộ phim truyền hình “Pine Gap” dài 6 tập do bộ phim này đã có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Cụ thể, hình ảnh bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên biển Đông đã xuất hiện tại phút 12 của tập 2 và phút 52 tập 3 của bộ phim. Điều đáng lo ngại, đây là lần thứ 3 liên tiếp trong 12 tháng qua, Netflix bị phát hiện cung cấp phim, chương trình truyền hình có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam khi cung cấp dịch vụ đến người sử dụng tại Việt Nam.

Từ những vụ việc dẫn chứng nêu trên cho thấy, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tư tưởng bành trướng, bá quyền nước lớn. Vì vậy, việc quảng bá hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp không phải là chuyện tình cờ hay là việc làm tùy hứng. Hành vi cài cắm bản đồ có “đường lưỡi bò” của họ là nhằm mục đích tuyên truyền để biến không thành có. Nếu việc làm này không quan trọng gì và không có lợi ích gì thì chắc chắn họ đã không làm. Để chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc đã và đang dùng mọi chiêu thức để lồng ghép, tuyên truyền cho bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp. Hành vi này sẽ vô cùng nguy hiểm nếu nó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp thế giới.

  • Từ khóa
126437

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu