aA

Góc nhìn thẳng 04:08, 24/12/2021 GMT+7

HRW lại diễn hề

Nhật Minh
Thứ 6, 24/12/2021 | 04:08:00 454 lượt xem
BPO - HRW là tên viết tắt từ tiếng Anh của Tổ chức theo dõi nhân quyền, có trụ sở tại thành phố New York, Hoa Kỳ. Tuy là tổ chức phi chính phủ nhưng từ khi xuất hiện (năm 1978) đến nay, tổ chức này liên tục can thiệp vào công việc nội bộ của nhiều quốc gia có chủ quyền. Mới đây, ngày 8-12-2021, tổ chức này đã cho ra đời cái gọi là thông cáo báo chí kêu gọi trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến bị Chính phủ Việt Nam bắt giữ trong năm 2021, vì lên tiếng ôn hòa về nhân quyền. Nội dung thông cáo này có đoạn viết: Chính phủ Hoa Kỳ cần sử dụng vòng đối thoại nhân quyền sắp đến để thúc ép Việt Nam trả tự do cho những tiếng nói bất đồng đang bị giam giữ và có những cải thiện về nhân quyền.

Cũng trong thông cáo này, HRW đã tự đưa ra con số thống kê rằng: Chính phủ Việt Nam đang giam tù ít nhất 145 người, chỉ vì họ thực hành các quyền căn bản một cách ôn hòa. Riêng trong năm nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã kết án và giam tù ít nhất 31 người. Hầu hết những người này chỉ bày tỏ ý kiến trên mạng, mà đó là những quan điểm trái với phía chính phủ. Cũng trong năm 2021, Công an Việt Nam bắt giữ ít nhất 26 người khác, trong đó có một nhà vận động nhân quyền là bà Nguyễn Thúy Hạnh. Những người này bị bắt với các cáo buộc ngụy tạo, có động cơ chính trị như tuyên truyền chống Nhà nước hay lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ở cuối thông cáo, HRW đưa ra kết luận: Hoa Kỳ cần đặt quan ngại về nhân quyền vào trọng tâm trong mọi mối quan hệ với Việt Nam chứ không chỉ hạn chế trong vòng đối thoại song phương thường niên.

Trước hết xin nói rõ vì sao HRW lại chọn ngày 8-12 năm nay để đẻ ra cái quái thai mang tên “Thông cáo báo chí”. Đó là vì ngày 9-12-2021, tại thủ đô Washington - Hoa Kỳ, sẽ diễn ra vòng đối thoại nhân quyền giữa Hoa Kỳ - Việt Nam lần thứ 25. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vòng đối thoại năm nay do quyền Trợ lý Ngoại trưởng Dân chủ, nhân quyền và lao động Lisa Peterson và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt dẫn đầu hai đoàn đối thoại. Nội dung đối thoại lần này là hai bên tập trung thảo luận các vấn đề nhân quyền thuộc nhiều chủ đề, bao gồm tự do biểu đạt, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, quyền lao động, pháp quyền và cải cách tư pháp, hợp tác đa phương về nhân quyền và một số vụ việc cụ thể được quan tâm… Đây được xem là kênh trao đổi thông tin hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ.

Vào hùa với HRW không chỉ có VOA, RFA, BBC, RFI mà còn có các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động và cơ hội chính trị đang lưu vong ở hải ngoại. Trong số này, kẻ đứng đầu là Việt Tân. Cụ thể là ngày 19-12-2021, trên facebook của Việt Tân có đăng bài: Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) ra tuyên bố về việc Nhà nước Việt Nam giam giữ và bỏ tù tùy tiện Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung và các công dân của mình. Nội dung bài viết này có đoạn: Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách ở Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho tất cả những cá nhân này cũng như nhiều người khác bị bắt giữ tùy tiện vì thực hiện các quyền tự do ý kiến và biểu đạt của họ. Chúng tôi cũng kêu gọi chính phủ bãi bỏ tất cả quy định pháp luật vi phạm các quyền tự do cơ bản. 

Tiếp đó, để tròn vai diễn phụ của HRW, ngày 21-12-2021, Việt Tân lại liệt kê cái gọi là danh sách tù nhân lương tâm đang bị giam giữ. Đứng đầu trong bảng “phong thần” này của Việt Tân là những “gương mặt đen”, như: Lê Trọng Hùng, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Đoan Trang, Đỗ Nam Trung, Nguyễn Thị Tâm,… Với người Việt đang định cư ở nước ngoài có thể nhiều người không biết nhưng với người dân trong nước thì chẳng ai lạ gì những kẻ bất hảo này. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, lợi dụng mạng xã hội Facebook, YouTube, 2 bị cáo Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm đã thực hiện phát trực tiếp các video, đăng tải bài viết, trạng thái, chia sẻ những thông tin xuyên tạc, bịa đặt và thóa mạ nhằm mục đích hạ uy tín lực lượng chức năng, xúc phạm uy tín, danh dự của người khác, gây hoang mang trong nhân dân, nhằm chống Nhà nước Việt Nam. 

Từ lâu nay, nhiều người dân Việt Nam đã đặt câu hỏi với HRW rằng: Trên thế giới có quốc gia nào dung dưỡng những kẻ chuyên sống bằng nghề xuyên tạc, bịa đặt, thóa mạ và chống phá chính quyền hay không? Có đất nước nào tha bổng cho những kẻ chuyên có hành vi phản dân hại nước hay không? Nhưng từ lâu nay HRW vẫn cố tình làm ngơ, vì họ cố tình không hiểu nội dung của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Theo đó, Điều 1 của công ước này đã quy định: Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Đồng thời, tại Điều 19 cũng nêu rõ: …Mọi người có quyền tự do ngôn luận… Việc thực hiện những quyền này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này được quy định trong pháp luật là cần thiết để: Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội.

Như vậy, với quy định nêu trên, thứ nhất là Liên hợp quốc đã khẳng định, mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới này đều có quyền tự quyết về vận mệnh của mình. Nói đúng hơn, mỗi đất nước đều tự do quyết định về thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội cũng như văn hóa. Và quyền này là ngang nhau, tức là không phải quốc gia rộng lớn về diện tích, đông về dân số và giàu về kinh tế mà có quyền cao hơn, to hơn những quốc gia nhỏ. Quan trọng hơn nữa là bất kỳ quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào cũng không được can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Việc tuyên phạt án tù đối với những kẻ vi phạm pháp luật là công việc nội bộ của Việt Nam, HRW cũng như các cá nhân, tổ chức phi chính phủ, phi luật pháp lấy tư cách gì mà đưa ra yêu cầu, yêu sách?

Thứ hai, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí không có nghĩa là tùy tiện, vô lối, là ai muốn làm gì thì làm, ai muốn nói kiểu gì thì nói, mà sự tự do này phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật, nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự công cộng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Do đó, những việc làm của các đối tượng mà HRW ra sức bảo kê, còn các tổ chức phản động lưu vong, phản động và khủng bố như Việt Tân thì ra sức bợ đỡ, tôn vinh…, hoàn toàn không phải là “tự do ngôn luận”, mà đó là những hành động phá hoại tự do của người khác, cũng như sự tự do và an ninh của xã hội. Vì thế, những bản án đã được tòa tuyên phạt là cái giá thích đáng mà họ phải phải trả.      

  • Từ khóa
134421

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu