aA

Góc nhìn thẳng 15:28, 17/01/2022 GMT+7

Cái cớ để xuyên tạc

Thảo Linh
Thứ 2, 17/01/2022 | 15:28:01 1,940 lượt xem
BPO - Nhiều tuần qua, cả xã hội vô cùng xót thương trước vụ việc bé N.T.V.A, ngụ quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh bị mẹ ghẻ bạo hành đến tử vong. Ngay khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã vào cuộc và hai kẻ trực tiếp liên đới cái chết của bé là mẹ kế và cha ruột đã bị bắt với tội giết người và đồng lõa giết người. Việc làm kịp thời của các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh phần nào giảm nhiệt dư luận do vụ việc gây ra và người ta đang chờ ngày pháp luật đưa hai “con quỷ” đội lốt cha, mẹ ra xét xử.

Điều đáng nói, trong khi mọi người đang thể hiện sự xót thương và cầu nguyện cho cháu bé thì trên mạng xã hội xuất hiện những kẻ “mượn gió bẻ măng”. Họ lợi dụng vụ việc để công kích, xuyên tạc rằng, quyền trẻ em ở Việt Nam không được đảm bảo và coi trọng. Rồi từ vụ việc cụ thể này, họ lèo lái thành vấn đề “nhân quyền” - là vấn đề mà những kẻ chống phá luôn dựa vào để bới móc, nói xấu chế độ, Nhà nước Việt Nam. 

Cụ thể, ngày 28-12-2021, trên trang facebook của nhà dân chủ Huỳnh Ngọc Chênh đăng bài viết có tựa đề: “Vụ án cháu bé 8 tuổi bị đánh chết và vấn đề nhân quyền”. Chênh viết trong bài một cách hồ đồ: “… Nhân quyền thì giấu đi, luật pháp thì bưng bít những điều tiến bộ mà thế giới buộc phải ghi vào, thảm cảnh vẫn tiếp tục xảy ra cho con người Việt Nam là điều không thể tránh khỏi…”. Vậy mà bài viết hồ đồ ấy đã được những kẻ chống phá, trong đó có linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong chia sẻ và hùa vào bình luận, công kích chế độ. Cùng ngày, trang BBC Tiếng Việt đăng bài: “Ai có lỗi trong vụ bé gái 8 tuổi chết vì bạo hành và ai bảo vệ trẻ em Việt Nam?” của tác giả Nguyễn Hoàng Ánh. Bài viết đưa ra các nguyên nhân, trong đó khẳng định: Nguyên nhân thứ ba, có thể nói là nguyên nhân quan trọng nhất, là quốc gia đang thiếu thiết chế bảo vệ trẻ em. Tác giả bài viết cho rằng: Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20-2-1990. Trong nước có Luật Trẻ em từ năm 2004, lần sửa đổi mới nhất là năm 2016 nhưng tình hình trẻ em ở Việt Nam về mọi mặt không có gì khá hơn các quốc gia khác vì thiếu thiết chế bảo vệ trẻ em… Tương tự, ngày 4-1-2022, trang VOA Tiếng Việt đăng bài: UNICEF quan ngại sâu sắc vụ bé gái bị bạo hành đến chết ở Việt Nam. Bài viết có đoạn: “Vụ việc này không phải là trường hợp đầu tiên một trẻ em chết do bạo hành trong gia đình ở Việt Nam”… Trang Việt Tân thì ỡm ờ: “Một thể chế tử tế hay không thể hiện ở chỗ trẻ em có được sống tử tế và được nghiêm ngặt bảo vệ hay không”…

Tại Việt Nam, từ lâu quyền bảo vệ trẻ em đã được cụ thể hóa bằng luật. Ngoài Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em thì Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 chương, 106 điều, trong đó quy định 25 quyền dành cho trẻ em. Bên cạnh Luật Trẻ em, các bộ, ngành liên quan còn ban hành nhiều văn bản dưới luật quy định về quyền trẻ em. Theo đó, mọi vụ việc liên quan đến trẻ em đều được cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Những nỗ lực về pháp lý cũng như hành động của Nhà nước Việt Nam về bảo vệ trẻ em đã được thế giới công nhận. Trong vụ việc cụ thể của bé V.A, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chỉ đạo các cơ quan tố tụng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật. Theo đó, các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và bước đầu đã có bằng chứng về tội cố ý giết người và đồng lõa giết người. Và tất cả những hành vi hành hạ, vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em sẽ được xử lý đúng người, đúng tội như bao vụ việc trước đó. 

Vậy mà các nhà “dân chủ”, “nhân quyền” như Huỳnh Ngọc Chênh, như “cha” Nguyễn Ngọc Nam Phong cùng những kẻ cơ hội lại phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực và thành quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong bảo vệ quyền trẻ em. Có kẻ hồ đồ cho rằng mẹ ghẻ và cha ruột bé V.A là những người có “cơ to”, mối quan hệ với những người quyền cao chức trọng nên các cơ quan chức năng sẽ bao che, không dám xử lý mạnh tay (!?). Trong bài viết của mình, Huỳnh Ngọc Chênh còn so sánh giữa nhân quyền Việt Nam với nhân quyền Mỹ, nhưng lại lờ đi thông tin mỗi năm, ở chính cái nơi mà Chênh cho là “thiên đường” ấy lại có tới 3.000 trẻ em bị giết bằng súng và khoảng 500 trẻ em tử vong vì các lý do gia đình. Tương tự, linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong chia sẻ, cổ xúy bài viết của Huỳnh Ngọc Chênh và có những phát ngôn gây sốc về vấn đề trẻ em. Nhưng ông ta lại lờ đi thông tin từng khiến cả thế giới sững sờ. Đó là vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em trong giới công giáo mà điển hình là tại bang Pennsylvania của Mỹ…

Những thông tin, luận điệu nêu trên là hoàn toàn vô căn cứ, cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật. Từ một vụ án cụ thể về bé V.A, các nhà “dân chủ”, “nhân quyền” đang cố tạo cớ để các thế lực thù địch bên ngoài tấn công Nhà nước và chế độ ta. Dù thủ đoạn xuyên tạc để đánh lừa, dẫn dắt dư luận theo ý đồ đen tối của họ là không mới, song chiêu thức này vẫn dẫn dụ được không ít người nhấn nút like và chia sẻ. Có người chia sẻ thông tin xấu chỉ nhằm mục đích câu like, câu view; cũng có không ít kẻ lợi dụng vụ việc, tung tin sai sự thật để tạo cớ cho các thế lực thù địch bên ngoài tấn công, phá hoại đất nước. 

Vụ án bé V.A bị bạo hành đến tử vong là điều hết sức đau lòng, gây phẫn nộ trong dư luận xã hội. Nhưng không thể vì một sự việc đau lòng này mà đổ lỗi cho chế độ. Bởi cho dù bất cứ xã hội nào, chế độ nào cũng luôn có những mảng tối, những phần khiếm khuyết. Một đất nước thượng tôn pháp luật như Nhật Bản, nhưng cả thế giới phải rúng động trước vụ việc bé Nhật Linh bị sát hại dã man tại nước này hồi năm 2017. Không một xã hội nào, một chế độ nào lại cổ xúy cho hành vi bạo hành trẻ em. Bởi thế, việc lợi dụng cái chết thương tâm của bé V.A rồi tỏ ra đau đáu với “vấn nạn” dưới chế độ này để thổi phồng, tạo cớ tấn công chính quyền là điều không thể chấp nhận và cần bị vạch trần.

  • Từ khóa
135570

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu