aA

Góc nhìn thẳng 15:38, 07/02/2022 GMT+7

Đối tác, đối tượng

Lê Đô
Thứ 2, 07/02/2022 | 15:38:38 4,131 lượt xem
BPO - Xác định đúng đối tác, đối tượng là vấn đề quan trọng, căn cứ chủ yếu để đề ra chính sách đối nội, đối ngoại cùng với kế sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới hiện nay. Tuy nhiên, nếu không hiểu đầy đủ hoặc phiến diện về đối tượng, đối tác, chúng ta rất dễ có cách nhìn lệch lạc, thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Mới đây, trên trang fanpage của tổ chức khủng bố Việt Tân có bài viết của Đỗ Thành Nhân với tiêu đề “Thù địch, phản động là ai?”. Trong bài viết, Thành Nhân đã đặt ra các câu hỏi như: “Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chống chủ nghĩa cộng sản và quyết tâm tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Vậy ông Trump có phải là thù địch không? Những kẻ xum xuê đón tiếp ông Trump để được mua vũ khí, để được làm ăn, để được công nhận kinh tế thị trường,… có phải PHẢN ĐỘNG không?”; “Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa quân đội chiếm giữ biển đảo Việt Nam, nói thẳng ra là xâm lược Việt Nam. Vậy tên Tập kia có phải là THÙ ĐỊCH không? Những kẻ nhận anh em láng giềng hữu nghị, “16 chữ vàng, 4 tốt”, mắt đưa tình lúng liếng, mở toang cửa cho Trung Quốc tự do ra vào. Những kẻ đó có phải là PHẢN ĐỘNG không?”. Mục đích của bài viết nêu trên làm cho người đọc bị mơ hồ về chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Ở Việt Nam trước đây, nhất là trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, quan điểm của Đảng ta về đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam (bạn, thù) chỉ rõ ai là bạn, ai là thù. Tuy nhiên hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, quan hệ quốc tế có những phát triển mới, cho nên quan điểm về đối tác, đối tượng đòi hỏi tư duy mới, biện chứng linh hoạt nhằm phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Việc xác định đối tượng, đối tác là tương đối “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta né tránh, để rồi rơi vào trạng thái mơ hồ, mất cảnh giác, mất tính chiến đấu và khó có thể vạch ra chủ trương, sách lược, chiến lược đúng đắn trong bảo vệ Tổ quốc. Thực tế, xác định đối tượng, đối tác là một trong những nội dung căn bản nhất trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Do đó, vấn đề đối tượng, đối tác đã được Đảng ta khẳng định rõ: “Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta. Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”.

Như vậy, đối tượng và đối tác luôn tồn tại trong một thể thống nhất. Có đối tác bản thân đã, đang là đối tượng, buộc chúng ta phải vừa hợp tác vừa phải đấu tranh. Bên cạnh đó, trong các loại đối tượng sẽ có những đối tượng mâu thuẫn, khác biệt ở mức độ nhất định, trong khoảng thời gian nhất định với chúng ta về ý thức hệ hoặc về lợi ích chủ quyền, lãnh thổ hoặc về lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội... Tuy nhiên, xét trong tổng thể thì vẫn còn có mặt có thể hợp tác được, mà không phải là đối tượng hoàn toàn hay đối tượng vĩnh viễn.

Căn cứ trên cơ sở đó, chúng ta phải có cái nhìn đúng đắn mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ hiện nay, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động gây chia rẽ mối quan hệ hợp tác mà Đảng và Nhà nước ta đã gầy công xây dựng trong nhiều thập kỷ qua.

Đối với Trung Quốc: Chúng ta quán triệt tư tưởng của Đảng mối quan hệ Việt - Trung là quan hệ hợp tác - đối tác - chiến lược toàn diện. Chúng ta không quên sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong tình hình hiện nay cả Việt Nam và Trung Quốc luôn coi trọng truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân 2 nước. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn có những mặt khác biệt là đối tượng mà chúng ta phải đấu tranh. Mâu thuẫn lớn nhất hiện nay của Việt Nam và Trung Quốc là việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Những năm qua, Trung Quốc có những hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đã làm ảnh hưởng đến an ninh trong khu vực và quan hệ hữu nghị giữa 2 nước. Do đó, ta phải vừa hợp tác vừa đấu tranh. Hợp tác nhưng không trở thành đồng minh; đấu tranh nhưng không để xảy ra xung đột. Đấu tranh bằng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, bằng Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC)…

Đối với Mỹ: Trong quan hệ đối ngoại với Mỹ hiện nay, chúng ta luôn khẳng định cần “Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Chúng ta gác lại quá khứ chứ không được phép quên quá khứ. Mỹ đã nuôi dưỡng và cưu mang bọn phản động gốc Việt, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, khi quan hệ với Mỹ có những mặt được xác định là đối tác thì chúng ta cũng vẫn phải tranh thủ hợp tác cùng phát triển. Thực tế trong hơn ¼ thế kỷ bình thường hóa quan hệ, quan hệ kinh tế - thương mại song phương đã thực sự cất cánh. Từ 450 triệu USD năm 1995 lên 90,8 tỷ USD năm 2020. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư Mỹ.

Như vậy, chúng ta đã có cơ sở để đấu tranh phản bác lại luận điệu sai trái của Đỗ Thành Nhân nói riêng, của các thế lực thù địch nói chung lợi dụng vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ để cố tình xuyên tạc, bóp méo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã từng nói: “Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”. Đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết mới là quan điểm đúng đắn nhất trong quan hệ quốc tế hiện nay.

  • Từ khóa
136664

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu