aA

Góc nhìn thẳng 10:23, 10/02/2022 GMT+7

Xe chính chủ?

Huỳnh Tấn Lực
Thứ 5, 10/02/2022 | 10:23:01 477 lượt xem
BPO - Từ ngày 1-1-2022, nhiều chính sách, quy định mới của Nhà nước bắt đầu có hiệu lực, trong đó đáng chú ý là Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16-6-2020 của Bộ Công an quy định về “Quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”.

Tuy nhiên, việc nhiều tổ chức, cá nhân chưa nắm rõ nội dung cụ thể cùng với việc các thế lực thù địch, phản động rêu rao, tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật rằng “từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 sẽ phạt lỗi đi xe không chính chủ” gây hoang mang, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Thậm chí chúng còn khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng “sẽ bị phạt, tịch thu giấy tờ, phương tiện nếu đi xe mượn hoặc trong một gia đình con cái lấy xe đứng tên cha mẹ hoặc ngược lại để sử dụng” hoặc “Thông tư 58 chỉ nhằm vào người dân, móc túi dân nghèo”, là “triệt đường làm ăn, hất đổ chén cơm manh áo của người nghèo, nhất là đối với các tài xế xe ôm, Grab, người chở hàng thuê…” hay “cảnh sát giao thông được quyền dừng xe ngẫu nhiên đang di chuyển trên đường để xử phạt”. 

Vậy, nội dung Thông tư số 58 nêu trên của Bộ Công an quy định như thế nào? 

Tại Điều 2 Chương I, những quy định chung trong Thông tư 58 nêu rõ: “Thông tư này áp dụng đối với: (a) Sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát giao thông (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ) làm nhiệm vụ đăng ký xe; (b) Công an các đơn vị, địa phương; (c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở hoặc cư trú hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến hoạt động đăng ký xe”. Như vậy, đối tượng chịu sự điều chỉnh, tác động của Thông tư 58 chính là mọi công dân Việt Nam, toàn bộ tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đang sử dụng các phương tiện cơ giới giao thông đường bộ lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam, chứ không phải “chỉ nhằm vào người dân, móc túi người dân nghèo”… như các luận điệu sai lệch rêu rao. 

Các cơ quan chức năng của Bộ Công an, mà trực tiếp là Cục Cảnh sát Giao thông, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã nhiều lần khẳng định hoàn toàn không có lỗi gọi là “đi xe không chính chủ”, mà chính xác phải gọi là “lỗi không sang tên đổi chủ”. Tại khoản 4 Điều 6 Thông tư số 58 quy định cụ thể như sau: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số. Đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên theo quy định đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021”. Tại Điều 15 Mục D Chương II đã quy định cụ thể xe phải thu đổi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong các trường hợp: “(1) Xe hỏng không sử dụng được hoặc xe bị phá hủy do nguyên nhân khách quan; (2) Xe tháo máy, khung để thay thế cho xe khác; (3) Xe tạm nhập của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tái xuất hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam; (4) Xe được miễn thuế nhập khẩu, nay chuyển nhượng sang mục đích khác; (5) Xe đăng ký tại các khu kinh tế - thương mại đặc biệt hoặc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế theo quy định của Chính phủ khi tái xuất hoặc chuyển nhượng vào Việt Nam; (6) Xe bị mất cắp, chiếm đoạt không tìm được, chủ xe đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe; (7) Xe hết niên hạn sử dụng; xe không được phép lưu hành theo quy định của pháp luật; xe có kết luận của cơ quan thẩm quyền bị cắt hàn hoặc đục lại số máy, số khung hoặc số máy hoặc số khung; (8) Xe đã đăng ký nhưng không đúng hệ biển quy định tại thông tư này; (9) Xe thuộc diện sang tên, chuyển quyền sở hữu; (10) Xe quân sự không còn nhu cầu cấp biển số xe dân sự; (11) Xe đã đăng ký nhưng phát hiện hồ sơ xe giả hoặc cấp biển số không đúng quy định”. 

Từ ngày 1-1-2022, chỉ những trường hợp đã có giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe nhưng quá 30 ngày vẫn không thực hiện thủ tục sang tên, đổi chủ sẽ bị xử phạt theo các mức sau: Đối với xe máy, phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng với tổ chức áp dụng theo điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ. Đối với xe ô tô, phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng với cá nhân, từ 4 triệu đến 8 triệu đồng với tổ chức áp dụng theo điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100 của Chính phủ. 

Vậy, nếu mượn xe của người khác để đi thì có bị xử phạt hay không? Xin trả lời rằng hoàn toàn không có quy định phạt người đi xe cầm giấy tờ đăng ký xe đứng tên người khác - như những gì mà dư luận tiêu cực rêu rao là lỗi “đi xe không chính chủ”. Và cũng không có bất cứ một văn bản nào quy định cấm đi xe mượn vì đó là giao dịch dân sự hợp pháp. Chúng ta có hàng triệu người lái xe thuê đều cầm theo đăng ký xe đứng tên của chủ xe. Nếu cấm đi xe mượn của người khác thì xã hội Việt Nam sẽ xóa sổ nghề lái xe hay sao? Rõ ràng là hoàn toàn không có chuyện “sẽ bị phạt, tịch thu giấy tờ, phương tiện nếu đi xe mượn hoặc trong một gia đình con cái lấy xe đứng tên cha mẹ hoặc ngược lại để sử dụng” như những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt.

Một vấn đề cần bàn luận cho rõ là lực lượng cảnh sát giao thông có được phép dừng xe ngẫu nhiên đang di chuyển trên đường để xử phạt hay không? Theo quy định hiện hành, hành vi không làm thủ tục sang tên, đổi chủ chỉ bị xử phạt nếu bị phát hiện trong 2 trường hợp sau đây: Một, thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ việc tai nạn giao thông; hai, thông qua công tác đăng ký xe. Khi đó, nếu phát hiện xe đã mua bán sang nhượng nhưng quá 30 ngày vẫn chưa làm thủ tục sang tên, đổi chủ thì sẽ xử phạt. Không có quy định nào bắt buộc người đi xe phải cầm theo giấy tờ đăng ký xe đúng tên mình; do đó, cơ quan chức năng sẽ không dừng xe đang di chuyển trên đường để xử phạt lỗi vi phạm nêu trên, vì trong trường hợp này không có căn cứ để khẳng định chiếc xe này “chưa sang tên đổi chủ”. Vì vậy, người tham gia giao thông hoàn toàn an tâm khi mượn xe của người khác để đi đường. 

Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý và điều hành xã hội bằng pháp luật dựa trên điều ước chung của luật pháp quốc tế. Vì vậy, công dân Việt Nam, người nước ngoài định cư, học tập, công tác tại Việt Nam được làm bất cứ điều gì pháp luật không cấm. Do đó, hãy tỉnh táo, cảnh giác để không bị những luận điệu tương tự như nêu trên của các thế lực thù địch, phản động dắt mũi, lôi kéo, kích động.

  • Từ khóa
136805

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu