aA

Giữ trọn lời thề Đảng viên 08:30, 23/05/2024 GMT+7

'Tấm khiên đỏ'

Hoàng Thu - Trần Tú
Thứ 5, 23/05/2024 | 08:30:00 1,840 lượt xem

Bài 4
THÀ ÍT MÀ TỐT

BPO - Có lẽ chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong các cơ quan đảng, nhà nước từ Trung ương đến địa phương lại “nóng” như hiện nay. Với mục tiêu kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thà ít mà tốt còn hơn đông nhưng hữu danh vô thực, Đảng đã nghiêm túc tiến hành rà soát, sàng lọc đảng viên, kịp thời, kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi tổ chức. Đặc biệt, ngày 9-5-2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Quy định như một lời cảnh tỉnh, giúp đảng viên, tổ chức đảng tự soi, tự sửa và hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Từ lãng quên đến phản bội lời thề

Như đã phản ánh, trong số các đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm ở mỗi vụ việc là khác nhau. Và hẳn nhiên, động cơ, mục đích khi thực hiện hành vi vi phạm cũng không giống nhau. Có người vì một chút sơ xuất, vô ý mà để bản thân vi phạm. Vậy nhưng, cũng có người đã vi phạm với lỗi cố ý, phản bội lời thề, bội ước với Đảng, xâm phạm đến lợi ích của đất nước. Có những sự lãng quên lời thề được biểu hiện rõ ràng, gây hậu quả trực tiếp và có thể nhận diện, xử lý ngay tức khắc. Vậy nhưng cũng có những lời thề bị lãng quên trong im lặng, âm ỉ bào mòn lý tưởng người đảng viên. 

Vậy họ đã quên lời thề đảng viên như thế nào? Vì sao?

Ở mức độ thấp, đó là sự bỏ bê các công việc của Đảng; đi muộn, về sớm trong các buổi sinh hoạt chi bộ; chậm đóng Đảng phí... Đó còn là việc đảng viên lãng quên chính bản thân, lười học tập, không tích cực rèn luyện để nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác. Đạo đức, lối sống không lành mạnh, không trong sáng. Cao hơn một chút, đó là sự phai nhạt lý tưởng; sa sút ý chí phấn đấu, làm việc qua loa, đại khái; nể nang, né tránh, ngại va chạm.

Mức độ cao nhất của việc vi phạm lời thề đảng viên là phản bội lý tưởng cách mạng của Đảng; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; không chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; vi phạm pháp luật của Nhà nước. Một số kẻ sau khi “ăn hết lộc cộng sản” đã vong ân, bội nghĩa, “trở cờ”, quay lưng công kích, đả phá Đảng.

Bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) tại phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án Việt Á, sáng 8-1-2024 - Ảnh: Báo Công an nhân dân online

Một dạng thức khác của việc phản bội lời thề khi vào Đảng là lợi dụng danh nghĩa đảng viên, lợi dụng sự tin tưởng của Đảng, lợi dụng chức vụ được Đảng giao phó để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Những kẻ này sống ký sinh vào Đảng, gặm nhấm, làm suy giảm sức mạnh của Đảng từ bên trong. Bề ngoài, họ tỏ ra yêu Đảng, thấm nhuần tư tưởng của Đảng, thế nhưng thực tế lại lợi dụng chức quyền nhằm “vinh thân, phì gia”, tham ô, tham nhũng, cấu kết với doanh nghiệp để trục lợi… Chỉ một “chuyến bay giải cứu” đã khiến 21 cựu cán bộ, quan chức, trong đó có cả lãnh đạo cấp thứ trưởng bị xử lý hình sự. Chỉ một Việt Á đã làm hàng loạt quan chức từ Trung ương đến địa phương, trong đó có cả những Ủy viên Trung ương Đảng lâm vào vòng lao lý, mất chức vụ, mất danh dự. 

Vì sao nên nỗi?

Bàn về nguyên nhân khiến đảng viên lãng quên, thậm chí là phản bội lời thề, có người cho rằng đó là do Đảng không có “con mắt tinh đời” khi lựa chọn đảng viên; một số người khác lại đổ lỗi cho rằng vì “cơ chế”, vì áp lực cuộc sống, vì vất vả mưu sinh mà họ đã không giữ trọn lời thề… Chúng ta không phủ nhận công tác tổ chức, xây dựng Đảng còn tồn tại những hạn chế, khuyết điểm nhất định. Tuy nhiên, nguyên nhân cốt yếu nhất dẫn đến việc không giữ trọn lời thề bắt nguồn từ chính bản thân người đảng viên đã không giữ được phẩm chất của mình.

Ở đây, chúng ta không đề cập đến những người có động cơ, mục đích vào Đảng không chính đáng. Bởi ngay từ đầu, họ không thực tâm hứa với Đảng, hứa với dân, thậm chí với chính mình. Vậy nhưng có những người khi vào Đảng thì tràn đầy nhiệt huyết, nhưng sau đó do thiếu tu dưỡng, thiếu rèn luyện, thiếu ý chí phấn đấu mà trở nên suy thoái. Có những người đã có hàng chục năm công tác, phấn đấu, được Đảng tin, dân quý, được bổ nhiệm, đề bạt vào các vị trí lãnh đạo, quản lý thì lại bị quyền lực làm tha hóa, sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị đồng tiền điều khiển, chi phối. Và cũng có người khi có chút công lao, đóng góp, có chút vị thế xã hội thì sinh ra tự kiêu, tự đại, cho mình là “công thần”, đòi hỏi Đảng phải làm điều này, điều kia. Đến khi những yêu sách cá nhân không trở thành hiện thực, họ hậm hực, cay cú, quay trở lại tấn công Đảng. 

Giữ trọn lời thề là tôn trọng chính mình

Vào Đảng đồng nghĩa với việc phải khép mình tuân thủ các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng và những quy định về kỷ luật đảng. Người vào Đảng phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực công tác. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến không ít đảng viên sa ngã, vi phạm và bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả những đảng viên từng giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng. Việc xử lý đảng viên vi phạm thể hiện rõ quyết tâm chính trị trong việc làm trong sạch nội bộ. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, đó lại là một điều đau xót. Và dù không muốn nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng việc đảng viên vi phạm dù ít, dù nhiều cũng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh của Đảng, tạo ra những khoảng đất trống để giới “dân chủ”, các đối tượng cơ hội chính trị, lực lượng thù địch tiến hành xuyên tạc, chống phá.

Cố nhiên, việc xây dựng đội ngũ đảng viên đông đảo về số lượng là quan trọng. Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là ưu tiên hàng đầu. Vấn đề cốt yếu tạo nên sức mạnh của Đảng cũng như nguyên nhân lớn nhất để mỗi đảng viên giữ trọn lời thề khi vào Đảng bắt nguồn từ chính chất lượng đảng viên.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và Học viện Quân y ngày 27-12-2023 - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Cách đây hơn 100 năm, Lênin đã viết tác phẩm “Thà ít mà tốt” để bàn về việc xây dựng hệ thống chính quyền Xô viết. Một trong những chỉ dẫn quan trọng của Lênin cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị là: “Phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt. Phải tuân theo quy tắc này: thà mất hai năm hay thậm chí ba năm còn hơn là hấp tấp vội vàng mà không có chút hy vọng nào đào tạo được một nhân lực tốt”. Hay như trong bài viết “Nhà nước của công nhân và tuần lễ Đảng”, Lênin cũng thẳng thắn chỉ ra: “Những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không, chúng ta không cần. Đảng độc nhất nắm chính quyền trên thế giới quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đảng viên, đến việc thanh trừ “bọn luồn lọt vào đảng” ra khỏi hàng ngũ mình, chứ không phải quan tâm là làm tăng thêm số lượng đảng viên”. Câu chuyện gần 20 vạn đảng viên Liên Xô làm nên Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917 nhưng gần 20 triệu đảng viên đứng nhìn Liên Xô tan rã năm 1991 là minh chứng cho điều này.

Ngày 21-1-2019, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Trong đó, nhiệm vụ được đề ra là: Tăng cường công tác quản lý, giáo dục đảng viên; nghiêm túc công tác rà soát, sàng lọc đảng viên và kiên quyết, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng…

“Thà ít mà tốt”, thà chặt bỏ một vài cành sâu để cứu cả cái cây và “… với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy. Nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo” - lời Bác dạy vẫn còn nguyên giá trị. Vào Đảng, làm cán bộ không phải để thăng quan, tiến chức, “vinh thân phì gia”. Bất kỳ ai, ở đâu, làm gì trong thời đại nào cũng thế, đi ngược với lợi ích quốc gia, dân tộc, bội ước với chính mình đều phải trả giá đắt. Nguyên tắc “thà ít mà tốt” là như thế.

  • Từ khóa
197257

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu