aA

Báo chí Sông Bé, báo chí Bình Phước trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam 06:06, 21/06/2024 GMT+7

KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2024)

BPTV chủ động, trách nhiệm trong chống 'diễn biến hòa bình'

Diệp Viên
Thứ 6, 21/06/2024 | 06:06:00 998 lượt xem

VÌ SAO PHẢI BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG?

Trước hết và trên hết, vấn đề đặt ra ở đây là vì sao chúng ta phải bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng? Câu trả lời là bởi, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, con đường, lực lượng, phương thức và điều kiện bảo đảm để đấu tranh, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công; giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự kỳ vọng và mong muốn ngàn đời của nhân dân ta: Đấu tranh giải phóng dân tộc và được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân chia sẻ tại tọa đàm Báo chí Bình Phước với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thực tế đã chứng minh, “Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Chính vì vậy, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng, là nguyên tắc trong định hướng phát triển đất nước của Đảng ta. Do đó, “còn Đảng còn mình”, “còn Đảng còn chúng ta”. Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân ta; đồng nghĩa với việc bảo vệ mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; bảo vệ cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Cùng với đó là xuất phát từ bản chất, âm mưu, thủ đoạn và hoạt động “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta của các thế lực thù địch. Bởi từ trước đến nay, các thế lực thù địch đều ra sức xuyên tạc, phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, các thế lực thù địch thực hiện mưu đồ và thủ đoạn thâm độc nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ; lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Điều đó cho thấy việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với bảo vệ Đảng, Nhà nước ta.

Bên cạnh đó, thực tế cách mạng ở nước ta hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải tiếp tục đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Vì hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; bị tha hóa, biến chất, vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự, phải tù tội, trong đó có cả cán bộ cấp cao của Đảng, tướng lĩnh quân đội, công an, giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân... Điều đó đã và đang làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Nếu chúng ta không tiếp tục đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sẽ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

QUYẾT LIỆT CHỐNG “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH”   

Trong cuộc họp giao ban báo chí tháng 3-2016, đồng chí Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cho Ban Biên tập (BBT) Báo Bình Phước và Ban Giám đốc (BGĐ) Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Bình Phước cùng với Hội Nhà báo tỉnh thực hiện mở chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” trên báo in, báo điện tử và các kênh PT-TH. Với những người làm báo địa phương thì đây là một việc không hề đơn giản. Vì số cán bộ, phóng viên, hội viên có trình độ lý luận chính trị hoặc có điều kiện nắm bắt những thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị rất ít. Còn đội ngũ cộng tác viên tại địa phương thì chưa thể đảm đương được những bài viết ở lĩnh vực này. Trong khi đó, chế độ nhuận bút của tỉnh không thể chi trả cho việc đặt bài cộng tác viên đang công tác tại các báo, đài Trung ương.

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy và Trưởng ban Tuyên giáo, BBT Báo Bình Phước và BGĐ Đài PT-TH Bình Phước đã nhiều lần họp, phân công các thành viên nghiên cứu bài viết thuộc thể loại này đã được đăng phát trên các báo, đài ở Trung ương. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng, cả báo và đài vẫn chưa mở được chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình”. Tại cuộc họp giao ban đầu tháng 6-2016, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy trên tinh thần nghiêm túc và có phần gay gắt. Đồng chí còn yêu cầu nếu cả báo, đài và cộng tác viên ở tỉnh không có người viết thì đặt bài hoặc đăng, phát lại bài có chất lượng của các báo, đài ở Trung ương. Chính ý kiến này đã khích tướng, tạo động lực cho  BBT, BGĐ cũng như cấp ủy 2 đơn vị quyết tâm thực hiện. Theo đó, Báo Bình Phước mở chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” trên báo in và báo điện tử từ số ra ngày 21-6-2016; Đài PT-TH Bình Phước cũng mở chuyên mục này trên sóng phát thanh.

Và bắt đầu từ ngày 21-6-2016, chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” trên Báo Bình Phước được duy trì 2 kỳ/tháng và từ ngày 2-9-2016 tăng lên 1 kỳ/tuần. Từ ngày 21-6-2017 tăng lên 2 kỳ/tuần, đến ngày 2-9-2018 tăng lên 3 kỳ/tuần và từ ngày 21-6-2019 đến nay tăng lên 5 kỳ/tuần. Tất cả bài trên báo in đều được đăng tải trên báo điện tử - Bình Phước online. Đối với Đài PT-TH Bình Phước, chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” phát 2 kỳ/tháng trên sóng phát thanh và 1 kỳ/tháng trên sóng truyền hình. Sau ngày hợp nhất Báo Bình Phước và Đài PT-TH Bình Phước thành Đài PT-TH và Báo Bình Phước (BPTV), chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” trên báo in, truyền hình, phát thanh và báo điện tử đều được duy trì, phát triển. Và từ năm 2021 đến nay, chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” trên các nền tảng của BPTV được đổi tên là “Góc nhìn thẳng”. Đặc biệt, các bài của chuyên mục này trên Bình Phước online được thể hiện hấp dẫn bạn đọc hơn thông qua kỹ thuật trình bày theo thể loại longform. Điều đáng ghi nhận là hằng tháng, các tác phẩm thuộc thể loại này đạt chất lượng cao đều được Ban Giám đốc - Ban Biên tập BPTV tuyên dương, khen thưởng vào lễ chào cờ đầu tháng.

Hiện BPTV là cơ quan truyền thông duy trì hiệu quả chuyên mục này với một lực lượng hùng hậu là những hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đã và đang là lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương, địa phương; cán bộ, biên tập viên của BPTV; sĩ quan quân đội, công an, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Để có được đội ngũ thực hiện chuyên mục này một cách đa dạng, phong phú và chuyên nghiệp, hằng năm BPTV đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng viết bài cho chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch” và Giải “Búa liềm vàng”. Nhờ đó, đội ngũ biên tập viên, phóng viên và cộng tác viên chuyên mục này đã từng đoạt giải cao (giải A) trong Cuộc thi Chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. 

NHÀ BÁO - KHÔNG THỂ LÀ NGƯỜI ĐƯA TIN HẠNG HAI

Từ thực tế cuộc sống, nhất là trong “thế giới phẳng” hiện nay, nếu ai đó có trong tay chiếc smartphone (điện thoại thông minh), thì cũng có thể trở thành người đưa tin. Trong khi đó, đây cũng là công việc chính yếu và thường nhật của một phóng viên, nhà báo. Với nền tảng công nghệ 4.0, người đưa tin đã chiếm ưu thế so với phóng viên, nhà báo về thời gian. Vậy nên, vấn đề đặt ra ở đây là phóng viên hay nhà báo tuy đi sau, song phải làm gì để có chỗ đứng trong lòng bạn đọc? Nói cách khác là nhà báo phải làm gì để giữ chân khán thính giả và độc giả? Và nếu không trả lời được câu hỏi này thì nhà báo chắc chắn và mãi mãi chỉ là người đưa tin hạng hai mà thôi!

Trước hết, mỗi nhà báo phải thấm nhuần lời dạy của nhà báo vĩ đại của mọi thời đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng: “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì?”, “Viết cho ai?”, “Viết thế nào?”. Vì, viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phục vụ nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Do đó, đòi hỏi mỗi nhà báo không chỉ có tác phong làm việc nhanh nhạy, kịp thời mà cần có thái độ bình tĩnh, tỉ mỉ, thận trọng, chính xác. Nhanh nhạy nhưng không hấp tấp, bình tĩnh nhưng không chậm chạp, tỉ mỉ nhưng không lề mề, kịp thời nhưng không cẩu thả. Và quan trọng hơn là mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và quyết liệt trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đó là tác phong làm báo của một nhà báo có bản lĩnh chính trị, có trách nhiệm xã hội trong thời đại 4.0. Và báo chí Bình Phước nói chung, những người làm báo ở BPTV hiện nay đã và đang làm được điều đó.

  • Từ khóa
199363

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu