aA

Tài nguyên và môi trường 09:03, 11/01/2024 GMT+7

Ứng dụng công nghệ phòng, chống cháy rừng

Vũ Thuyên
Thứ 5, 11/01/2024 | 09:03:36 2,421 lượt xem
BPO - Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, những năm qua trên địa bàn tỉnh Bình Phước không xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, không vì thế mà lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với “giặc lửa”, đặc biệt những tháng mùa khô công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR) luôn là mối quan tâm hàng đầu trong quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quản lý, bảo vệ, PCCR từng bước được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực.

Hơn 1 tháng qua, địa bàn tỉnh Bình Phước nắng nóng, khô hanh kéo dài cùng với gió thổi mạnh vào chiều tối tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Bởi vậy, những ngày này các chủ rừng cùng lực lượng chức năng, cộng đồng nhận khoán đang huy động tối đa nhân lực, vật lực túc trực 24/24 giờ căng mình chống “giặc lửa”, đảm bảo không để cháy rừng cũng như thiệt hại về tài nguyên rừng.

Báo động đỏ

Tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập - nơi có gần 26.000 ha rừng, trong đó nhiều khu vực giáp ranh vườn cao su của người dân và một số khu vực tập trung nhiều vật liệu dễ cháy tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao, báo động đỏ cấp độ V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Bởi thời điểm này là cao điểm mùa lá rụng kết hợp nắng nóng, khô hanh, gió thổi mạnh, trong khi đó có những khu vực vùng sâu, vùng xa khan hiếm nguồn nước, di chuyển khó khăn nên công tác PCCR vô cùng gian nan.

Lực lượng chức năng, đơn vị nhận khoán vừa thu dọn đường băng vừa đốt rác, lá cao su, cỏ cây để hạn chế tối đa nguy cơ lửa cháy lan vào rừng

Nguyên nhân xảy ra cháy rừng chủ yếu do người dân phát dọn, đốt cỏ, lá rụng trong vườn điều để thu hoạch khu vực quanh lâm phần vườn quốc gia đầu mùa khô dễ gây ra cháy lan vào rừng. Việc sử dụng lửa không cẩn thận khi vào rừng của một số người dân cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây ra cháy rừng. Vườn quốc gia Bù Gia Mập có 2 tuyến đường lớn đi qua là quốc lộ 14C và đường tuần tra biên giới, vào mùa khô người dân qua lại nhiều nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Ngoài ra, một số đối tượng xâm nhập rừng để săn bắn, bẫy bắt động vật, khai thác lâm sản, trong quá trình sử dụng lửa không cẩn thận để cháy lan vào rừng. Một số đối tượng khi bị lực lượng kiểm lâm bắt và xử phạt thì quay lại đốt rừng để trả thù.

“Trong số các nguyên nhân gây cháy rừng thì khu vực nguy cơ cháy cao nhất là tuyến đường tuần tra và nơi giáp ranh rẫy người dân. Đặc biệt, mùa khô ở Bình Phước kéo dài, nắng nóng, gió thổi mạnh, mực nước ở các hồ tích trữ phòng cháy giai đoạn giữa đỉnh điểm mùa khô một số vơi cạn gây khó khăn khi sự cố cháy xảy ra. Hơn nữa, rừng ở đây chuyển tiếp giữa Tây Nguyên với trung du nên địa hình chia cắt mạnh, nếu cháy sâu trong rừng thì các phương tiện không thể vào được, chỉ dùng biện pháp bình xịt đeo vai và khoanh vùng dập tắt đám cháy. Nếu phát hiện đám cháy chậm hoặc không xác định được vị trí cũng như không đề ra phương pháp chống cháy hiệu quả thì hậu quả sẽ khó lường” - kiểm lâm viên chính Vườn quốc gia Bù Gia Mập Nguyễn Cảnh Đồng cho biết.

Tại cổng vào Vườn quốc gia Bù Gia Mập lắp đặt, trang bị các pa-nô tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng cũng như báo động khu vực nguy cơ cháy rừng 

Với những khó khăn, phức tạp đó nên công tác PCCR của Vườn quốc gia Bù Gia Mập luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ rừng với phương châm phòng chính, chữa cháy kịp thời. Ngay từ đầu tháng 11 hằng năm, vườn đều xây dựng phương án PCCR gửi các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng góp ý, hoàn chỉnh để có phương án tối ưu nhất; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, cộng đồng nhận khoán huy động nhân, vật lực thực hiện giả định tình huống PCCR thuần thục để chủ động khi cháy rừng xảy ra. Đặc biệt, việc phát dọn đường băng cản lửa luôn thực hiện sớm và đến nay đã hoàn thành, kể cả tuyến vào vùng lõi của vườn với tổng 175km. Ngoài ra, còn phát dọn thực bì khu vực rừng trồng năm 2018 với 140 ha.

Cùng với đó, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, chung tay bảo vệ rừng, đặc biệt là những hộ có rẫy giáp ranh ký cam kết không để lửa cháy lan vào rừng. Đồng thời, phối hợp các lực lượng, cộng đồng nhận khoán đẩy mạnh tuần tra rừng, qua đó xác định những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy để tìm phương án PCCR kịp thời, hiệu quả.

Từng bước hiện đại

Song song với các phương án, những năm qua công tác xây dựng, mua sắm trang thiết bị, phương tiện PCCR được đầu tư đồng bộ, đầy đủ. Cùng với đó, lực lượng PCCR luôn đảm bảo quân số. Lực lượng tham gia PCCR hiện chủ yếu là công chức, viên chức và người lao động của vườn quốc gia với 90 người và 300 người thuộc cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Phương tiện phục vụ công tác PCCR được trang bị gồm xe chữa cháy chuyên dụng kết hợp máy bơm áp lực cao, máy cày chữa cháy, máy thổi gió đeo vai, máy xịt nước đeo vai và các công cụ thủ công khác. Vườn quốc gia có 3 hồ chứa nước nằm trên các trục đường giao thông, thuận tiện cho việc cung cấp nước chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Cùng với đó trang bị 28 bồn chứa nước (23 bồn 5.000 lít, 5 bồn 2.000 lít) đặt tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao, xa nguồn nước.

Hiện nayviệc theo dõi công tác phòng, chống cháy rừng được ứng dụng trên phần mềm Avenza maps cài đặt trên điện thoại thông minh nên tiện lợi và hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây dùng bản đồ giấy

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ vào PCCR ngày càng hiện đại hơn. Đó là theo dõi công tác PCCR trên phần mềm bản đồ Avenza Maps qua điện thoại thông minh nên tiện lợi và hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây dùng bản đồ giấy. Ngoài thực hiện việc gác chòi canh lửa kịp thời phát hiện các đám cháy để chữa cháy trong những tháng cao điểm mùa khô, Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn trang bị 2 flycam tuần tra lửa rừng, phát hiện khu vực nguy cơ cháy cao để có phương án PCCR đạt hiệu quả cao nhất.

Điểm mới trong công tác PCCR hiện nay là ngoài sử dụng 2 flycam để tuần tra lửa rừng, Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn áp dụng công nghệ dự báo của Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm dự báo cấp cháy rừng thông qua Zalo, email. Đơn vị đang kiến nghị mùa khô năm tới sẽ xây dựng hệ thống PCCR hiện đại hơn bằng camera cảm ứng nhiệt và có phòng lab để theo dõi khả năng cháy rừng. Diện tích chúng tôi dự kiến sẽ chỉ áp dụng khoảng từ 3.000-5.000 ha - vùng nhạy cảm nguy cơ cháy rừng cao và nếu thấy hiệu quả thì mới nhân rộng.

Ông VƯƠNG ĐỨC HÒA, Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập


Thời điểm này, thời tiết Bình Phước hanh khô, nắng nóng diện rộng nên các hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh luôn có nguy cơ cháy từ cấp IV-V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Do đó, lực lượng kiểm lâm tập trung cao độ cho công tác PCCR, bố trí lực lượng và tăng cường tuần tra tại khu vực trọng điểm xác định khả năng cháy rừng cao; tổ chức dọn đường băng cản lửa, tiếp nước vào các bồn, hồ chứa cố định; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng chữa cháy...

  • Từ khóa
186752

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu