aA

Tài nguyên và môi trường 09:32, 19/02/2024 GMT+7

Khai thác hiệu quả tài nguyên nước

Vũ Thuyên
Thứ 2, 19/02/2024 | 09:32:57 1,714 lượt xem
BPO - Địa bàn tỉnh Bình Phước thời điểm sau tết Nguyên đán hằng năm thời tiết thường nắng nóng, khô hạn. Bởi vậy, bên cạnh nguồn nước sinh hoạt thì vấn đề băn khoăn, lo lắng của người dân là làm sao đảm bảo ổn định nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Để giải quyết những băn khoăn, lo lắng đó, ngoài quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống các hồ, đập thì công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cần được quan tâm chú trọng góp phần giải “cơn khát” trong mùa khô này.

BÀI 1
NƯỚC VỀ TẬN RUỘNG

Nếu trước đây sản xuất nông nghiệp của người dân phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên nên năng suất, sản lượng không đảm bảo thì nay hoàn toàn khác. Từ khi hệ thống hồ đập được đầu tư xây dựng, nâng cấp kết hợp kênh mương dẫn nước đến tận đồng ruộng, không chỉ đảm bảo nguồn nước tưới quanh năm mà năng suất, chất lượng sản phẩm cũng tăng lên nhiều.

VỤ MÙA BỘI THU

Nhìn cánh đồng lúa khoảng 100 ha chín vàng, nặng trĩu bông, hàng chục hộ dân các ấp Bù Tam, Phước Tiến thuộc xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp không giấu được niềm vui vì vụ mùa năm nay bội thu hơn những năm trước. Trước đây, do phụ thuộc vào “giếng trời” nên người dân chỉ sản xuất từ 1-2 vụ, nay nâng lên 3 vụ. Không chỉ tăng vụ mà năng suất, chất lượng cao hơn từ 20-30% so với trước. Kết quả đó là nhờ phát huy hiệu quả hồ chứa nước Bù Tam sau khi xây dựng hoàn thành.

Nhờ có hệ thống kênh mương đưa nước tưới về đồng ruộng, nông dân xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp không chỉ tăng vụ mà năng suất, chất lượng nông sản cũng cao hơn so với trước

Với dung tích 2,59 triệu mét khối nước mặt, hồ chứa nước Bù Tam thuộc cụm công trình thủy lợi vùng cao biên giới tỉnh Bình Phước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng từ nguồn vốn tỉnh. Dung tích lớn, kết hợp hệ thống kênh mương đã đưa nước tưới đến tận ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp quanh năm.

Trưởng ấp Bù Tam Phạm Bảo Khiêm cho biết: Hồ chứa nước Bù Tam mới trữ nước trong 2 mùa mưa gần đây. Nước hồ dâng cao với dung tích lớn kết hợp hệ thống kênh mương dẫn nước tưới đến tận ruộng, tạo điều kiện cho người dân trồng lúa và hoa màu. Không chỉ sản xuất lúa, hoa màu, người dân còn lấy nước sinh hoạt, chăm sóc các loại cây trồng lâu năm, bởi khu vực này rất khó khai thác nước ngầm từ giếng khoan.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước Nguyễn Đăng Dương chia sẻ: Sau khi hoàn thành, hồ chứa nước Bù Tam đã phát huy hiệu quả phục vụ nước tưới cho khoảng 300 ha lúa của người dân huyện Bù Đốp. Tuy nhiên, diện tích phía sau hồ chứa nước Bù Tam còn rất lớn, nhu cầu dùng nước tưới nhiều nhưng hệ thống kênh mương mới chỉ có 2,5km nên chưa phát huy hết công năng của hồ. Để phát huy hết công năng, sắp tới công ty sẽ phối hợp chính quyền địa phương tìm giải pháp phát triển thêm hệ thống kênh mương nhằm nâng cao hiệu quả, phục vụ lâu dài, bền vững cho người dân làm đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp phấn khởi vì mùa vụ bội thu từ khi có hồ chứa nước Bù Tam cấp nước

Huyện Bù Đốp hiện có 6 hồ, đập và 48km kênh mương thủy lợi sau Cần Đơn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho 3.000 ha cây trồng các loại và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, ngoài vận động nhân dân thực hiện tưới tiết kiệm thì ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương còn đầu tư nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông cống rãnh nhằm phát huy hiệu quả nhất cho sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống kênh mương sau thủy lợi Cần Đơn đang phát huy hiệu quả, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp huyện Bù Đốp

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp Trần Văn Thành cho biết: Trên địa bàn huyện có gần 1.800 ha lúa nước. Từ khi có hệ thống kênh mương thủy lợi, lúa từ 1 vụ lên 2 vụ và từ 2 vụ lên 3 vụ, đảm bảo sản lượng, năng suất. Thời gian tới, để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng nắng nóng, khô hạn, huyện tiếp tục phát huy tốt hệ thống kênh mương thủy lợi và tuyên truyền, vận động người dân sử dụng công nghệ tiên tiến, tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt để giảm tối đa lượng nước thất thoát. Cùng với đó, vận động nhân dân đoàn kết, tương thân tương ái, hộ trước giúp hộ sau trong sử dụng hệ thống thủy lợi, từ đó đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đời sống người dân ngày một nâng cao.

PHÁT HUY HƠN NỮA HỆ THỐNG HỒ ĐẬP

Cùng với Bù Đốp thì các công trình hồ đập trên địa bàn huyện Lộc Ninh cũng phát huy rất hiệu quả. Hiện huyện Lộc Ninh có 13 công trình hồ, đập, trong đó hồ Lộc Quang (xã Lộc Quang), đập dâng Cần Lê (xã Lộc Khánh), hồ Rừng Cấm (xã Lộc Tấn) đang phát huy hiệu quả. Các công trình thủy lợi đã cấp nước tưới cho khoảng 5.000 ha lúa nước và khoảng 20.000 ha cây trồng khác. Qua đó góp phần ổn định cuộc sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Hồ chứa nước Bù Tam, huyện Bù Đốp có dung tích lớn, kết hợp hệ thống kênh mương đưa nước tưới đến tận ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp quanh năm - Ảnh: Phú Quý

Hiện nay, Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước được UBND tỉnh giao quản lý, khai thác 56 công trình thủy lợi, trong đó có 48 hồ chứa với tổng dung tích 95 triệu mét khối nước. Ngoài cung cấp nước cho cây trồng, các công trình còn tạo nguồn để cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp với công suất 93.000m3/ngày đêm. Đặc biệt, những năm gần đây, công ty đã tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp khai thác nguồn nước để trồng chuối và nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao khác. Đây cũng là giải pháp nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đồng thời hạn chế sử dụng mạch nước ngầm có nguy cơ giảm sút do biến đổi khí hậu như hiện nay. Bởi vậy, công tác nạo vét kênh mương, duy tu, nâng cấp hồ, đập đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt người dân, doanh nghiệp cũng như hạn chế khai thác nước ngầm có nguy cơ giảm sút đóng vai trò rất quan trọng trong mùa khô này.

“Hệ thống kênh mương nội đồng hiện phát huy rất hiệu quả, cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân. Tuy nhiên, để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, công ty kiến nghị các sở, ngành và UBND tỉnh xem xét đầu tư cũng như đề xuất nguồn vốn Trung ương để mở rộng hệ thống kênh mương, nâng cao hiệu quả công trình hồ đập, phát triển sản xuất lâu dài”.

Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước


Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước Nguyễn Đăng Dương cho biết thêm: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về ứng phó với hạn hán giai đoạn 2024-2025, đơn vị đã thực hiện kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nhằm phát hiện những hư hỏng cần sửa chữa để công trình đảm bảo hoạt động tốt. Đồng thời phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra thực trạng hệ thống kênh mương, khu vực tưới phía sau hồ, đập để tiến hành nạo vét khơi thông dòng chảy và xây dựng kế hoạch tưới đảm bảo nguồn nước liên tục cũng như tưới tiết kiệm, hạn chế thất thoát.

  • Từ khóa
189478

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu