aA

Góc nhìn thẳng 09:00, 12/07/2023 GMT+7

“Đu idol”…

Anh Tú
Thứ 4, 12/07/2023 | 09:00:46 1,150 lượt xem
BPO - “Đu idol” là cụm từ đang “gây bão” trên nhiều trang mạng xã hội. Việc hâm mộ, yêu thích một ai đó ở chừng mực nhất định là điều tốt. Tuy nhiên, nếu “cuồng thần tượng” một cách quá đà thì đó là điều đáng lo ngại.

“Idol” là từ tiếng Anh, có nghĩa là thần tượng, dùng để chỉ một người hoặc một nhóm người có tài năng được nhiều người yêu thích, hâm mộ, kính trọng, thậm chí tôn sùng họ. Những ngày vừa qua, câu chuyện nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc BlackPink sẽ đến Việt Nam và tổ chức công diễn chương trình BlackPink World Tour 2023 vào cuối tháng 7 đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Đỉnh điểm của câu chuyện BlackPink đến biểu diễn tại Việt Nam có lẽ là vụ việc iMe Entertainment Group Asia, đơn vị tổ chức sự kiện, đăng tải hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” trên website. Giữa câu hỏi: Chọn bảo vệ Tổ quốc hay bảo vệ thần tượng, trên mạng xã hội đã hình thành 2 phe đối lập. Trong đó, một bên đòi tẩy chay chương trình để phản đối hành vi gây ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, một bên lại ủng hộ thần tượng và cho rằng bản đồ “đường lưỡi bò” không phải do BlackPink đăng tải nên cần bỏ qua. Nguy hiểm hơn, trong nhóm “lựa chọn thần tượng”, những người trẻ chiếm đa số…

Cách đây gần 100 năm, nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã đúc kết: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng”, “Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Nhắc lại để thấy, từ bao đời nay, cha ông ta vẫn luôn coi trọng giá trị của văn hóa đối với vận mệnh dân tộc. Nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác trên lĩnh vực văn hóa thì nó có thể là “nhát dao chí mạng” đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Trong những năm qua, với việc mở cửa hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, mỗi người dân có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu, tiếp cận và học hỏi các giá trị văn hóa quốc tế. Ở châu Á, Hàn Quốc đã thực sự thành công khi tạo nên làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu. Làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã tác động mạnh mẽ đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Có thể thấy, nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc với khả năng đào tạo, lăng-xê thần tượng đã góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Hàn Quốc đến cộng đồng quốc tế và mang lại những lợi ích kinh tế không hề nhỏ. Đây là điều chúng ta cần học hỏi. 

“Thần tượng” là ai? Theo nhận thức chung hiện nay của giới trẻ, thần tượng thường là diễn viên hoặc ca sĩ nổi tiếng. Dĩ nhiên, để trở thành thần tượng thì những người này đã được các công ty chủ quản lựa chọn, gọt giũa kỹ. Chính vì vậy, khi xuất hiện trước công chúng, họ nổi bật với ngoại hình bắt mắt, trang phục thời thượng, ứng xử “sang chảnh”. Nhất là qua công nghệ lăng-xê, các thần tượng đã được tô vẽ thêm rất nhiều ánh hào quang lấp lánh. Do đó, thần tượng đã trở thành người được giới trẻ ngưỡng mộ.

Việc ngưỡng mộ ai đó không hề xấu nếu mỗi người luôn nhìn vào đó để phấn đấu tự hoàn thiện bản thân mình. Tuy nhiên, việc sùng bái, cuồng hóa thần tượng thì lại là điều đáng báo động. Nhìn vào câu chuyện nhóm nhạc BlackPink sẽ đến biểu diễn tại Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những mặt trái của việc cuồng hóa thần tượng. Theo công bố của Ban tổ chức, giá vé của chương trình dao động từ 1,2 đến 9,8 triệu đồng. Đây là con số không hề nhỏ và có phần cao hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ thu nhập cả tháng để “đu idol”. Nguy hiểm hơn, trên mạng xã hội đã xuất hiện một số trường hợp chửi bới gia đình vì không cho tiền mua vé đi gặp thần tượng. 

Với việc cuồng thần tượng, có những người đã hình thành nhận thức lệch lạc, chạy theo, học đòi, bắt chước thần tượng một cách quá đà, sẵn sàng bỏ học để “đu idol”. Dù không có tài năng nhưng lại ham thích sự hào nhoáng như các “idol” nên không ít bạn trẻ xa vào lối sống thích hưởng thụ, lười lao động, mắc phải tệ nạn. Và cũng có những bạn trẻ dễ dàng thuộc tên, nhớ sinh nhật, nắm rõ lịch trình hoạt động của “thần tượng, nhưng lại không nhớ được các sự kiện lịch sử của đất nước, không biết tên lãnh tụ. Một sự nghịch lý đến khó tin! 

Không chỉ với các “idol” nước ngoài, việc thần thánh hóa nghệ sĩ của một bộ phận người hâm mộ đã “làm hư” nghệ sĩ trong nước. Cách đây không lâu, báo chí đã tốn không ít giấy mực để bình phẩm, phân tích, đánh giá khi có nghệ sĩ tự cho mình là “ông hoàng”, có người lại thách thức khán giả bằng giọng điệu: “Đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ. Nếu ai cảm thấy thích tiền, thích hào quang thì hãy thử lên đây chạm vào nó. Hãy nếm 4 chữ “hào quang rực rỡ” đi để biết nó là cái gì”.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Bởi vậy, nếu văn hóa bị đứt gãy, bị biến dạng thì xã hội cũng không thể phát triển. Nhìn lại văn hóa Việt Nam, thử hỏi có đặc sắc không, có độc đáo không? Xin khẳng định là có. Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã miệt mài lao động mà có những sản phẩm văn hóa vươn tầm thế giới. Nói vậy để thấy, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một “làn sóng văn hóa Việt Nam” như cách Hàn Quốc đã thực hiện. Thay vì để giới trẻ cuồng hóa các “idol” nước ngoài, chúng ta có thể xây dựng những hình mẫu nổi bật ở trong nước để dẫn dắt người hâm mộ. Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý văn hóa cần mạnh tay, siết chặt quản lý để ngăn chặn những hành vi biến tướng, lệch lạc, thiếu chuẩn mực trong sinh hoạt văn hóa. Cùng với đó, chúng ta cũng cần có những giải pháp căn cơ để phát huy nội lực, đưa văn hóa trở thành động lực cho sự phát triển.

  • Từ khóa
172522

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu