aA

Báo chí Sông Bé, báo chí Bình Phước trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam 10:00, 03/06/2024 GMT+7

Báo chí cách mạng ở Bình Phước giai đoạn 1954-1960

Nhật Minh
Thứ 2, 03/06/2024 | 10:00:50 1,243 lượt xem
BPO - Theo sách “Địa chí Bình Phước”, “Lịch sử Đảng bộ Bình Phước” và các tài tiệu khác..., từ cuối năm 1954-1960, chế độ Mỹ - Diệm thực thi chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” và lê máy chém đi khắp nơi với thủ đoạn “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” đã gây ra cho cách mạng những tổn thất to lớn. Chỉ tính từ năm 1955-1958, địch đã giết hại khoảng 68.000 cán bộ, đảng viên, bắt 446.000 người. Vì vậy, phong trào cách mạng ở miền Nam nói chung và tỉnh Thủ Dầu Một nói riêng thời đó như nằm trong máu lửa và không những bị tổn thất nặng nề, mà còn lâm vào tình thế hết sức hiểm nghèo. Chính sự đàn áp khốc liệt của địch làm cho nhân dân Nam Bộ không còn con đường nào khác phải vùng lên chống lại. Và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, trực tiếp là Tỉnh ủy, lực lượng báo chí cách mạng ở Thủ Dầu Một ngày ấy đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa căm thù trong nhân dân, chặn đứng bàn tay đẫm máu của Mỹ - Diệm.

Bài cuối
BÁO CHÍ BÁM SÁT NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC

Tờ tin “Đấu tranh chống vụ thảm sát Phú Lợi”

Cuối tháng 11, đầu tháng 12-1958, Mỹ - Diệm thực hiện vụ đầu độc tù nhân chính trị tại Nhà tù Phú Lợi (nay thuộc phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Nhận biết rõ âm mưu của kẻ thù, một số tù nhân đã phản kháng bằng việc leo lên dỡ nóc nhà để kêu cứu, đòi chính quyền miền Nam phải đem thuốc men cứu chữa, nhưng lực lượng cai ngục đã sử dụng súng để bắn giết những người này. Chỉ trong ngày 1-12-1958, hơn 1.000 tù nhân đã chết, số còn lại thì nằm mê man bất tỉnh. Đến ngày 2-12-1958, số người chết tiếp tục tăng lên. Chính quyền Ngô Đình Diệm và các cố vấn Hoa Kỳ đã lập tức điều động thêm về Phú Lợi một trung đoàn bộ binh bao vây chặt chẽ trại tập trung, lùng khắp các xóm làng lân cận, hạ lệnh giới nghiêm, cấm nhân dân tụ họp bàn tán. Để phi tang các xác chết, chính quyền Ngô Đình Diệm đã phun xăng vào trại và đốt, khiến số thương vong tăng lên. Sau đó, chúng tung tin là các tù nhân uống thuốc độc tự tử để đánh lừa dư luận.

Chính tội ác “trời không dung, đất không tha” này đã dấy lên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt trong khắp cả nước để tố cáo chế độ gia đình trị tàn ác của Ngô Đình Diệm. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã quyết định cho xuất bản tờ tin đặc biệt lấy tên là “Đấu tranh chống vụ thảm sát Phú Lợi”. Tờ tin này được xuất bản hằng tuần, với nội dung phản ánh các hoạt động của đồng bào trong tỉnh và nhân dân cả nước đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc và vô cùng dã man, tàn ác của Mỹ - Diệm. Đặc biệt, tờ tin còn có những bản tin về sự phản đối của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cực lực phản đối vụ thảm sát Phú Lợi. Sau 3 tháng ra mắt bạn đọc, tờ tin “Đấu tranh chống vụ thảm sát Phú Lợi” dừng phát hành. Tuy tồn tại trong thời gian ngắn nhưng tờ tin đã góp phần mạnh mẽ vào việc thổi bùng lên ngọn lửa căm thù trong các tầng lớp nhân dân đối với bè lũ sát nhân, những tên đồ tể của thời Mỹ - Diệm.

Đặc biệt, tờ tin này đã tạo ra làn sóng đấu tranh quyết liệt chống lại những hành động dã man của Mỹ - Diệm đối với tù nhân chính trị, không những ở khắp miền Nam Việt Nam mà cả trên thế giới. Và sau vụ thảm sát ở Nhà tù Phú Lợi, chính sách khủng bố đẫm máu của Mỹ - Diệm lan rộng khắp miền Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ phong trào đấu tranh yêu nước sục sôi nhất ở miền Nam. Trong khó khăn chung của phong trào cách mạng, các chiến sĩ làm báo ở miền Đông nói chung và ở Thủ Dầu Một ngày ấy nói riêng, cũng phải chịu nhiều gian khổ.Cơ quan, đơn vị phải liên tục di dời địa điểm. Trong khi công việc thì nhiều, nhưng cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền lại chỉ có mấy người. Vì vậy, tất thảy đều phải vừa viết báo vừa làm thợ in; thậm chí có lúc phải trực tiếp cầm súng chiến đấu. Sau 3 tháng đồng hành với bạn đọc, tờ tin “Đấu tranh chống vụ thảm sát Phú Lợi” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị. Và trước tình hình đó, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã cho dừng xuất bản tờ tin này.

Tờ báo khổ lớn đầu tiên - Báo Chiến thắng

Tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã ra nghị quyết về con đường phát triển của cách mạng miền Nam. Thực hiện nghị quyết này, phong trào đồng khởi được Tỉnh ủy Thủ Dầu Một phát động đã diễn ra khắp nơi trong tỉnh vào ngày 25-2-1960. Tiếp đó, phong trào diệt ác, phá kìm giành quyền làm chủ các ấp, xã được dấy lên mạnh mẽ. Trước khí thế phong trào quần chúng đang lên cao độ, hoạt động báo chí cũng cần có sự chuyển biến lớn. Trong khi đó, tờ Thông tin lại có khổ quá nhỏ nên Tỉnh ủy đã có chủ trương xuất bản tờ báo mới. Ngay sau đó, Báo Chiến thắng ra đời, thay thế tờ Cờ giải phóng và tờ Tin tức. Đây là cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, có khổ in 30x40cm và 10 ngày ra một số, với số lượng in hơn 1.000 bản mỗi kỳ. Ngoài ra, trước tình hình phong trào cách mạng đang lên nhanh và mạnh, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã có chủ trương mỗi huyện tổ chức một tổ ấn loát để in bản tin địa phương và truyền đơn, khẩu hiệu.

Nội dung tuyên truyền của Báo Chiến thắng cũng như tờ tin và các khẩu hiệu trong thời kỳ này khá phong phú cả số lượng và chất lượng. Trên báo và tờ tin có bài viết dành cho đồng bào các giới nhằm kêu gọi mọi người tích cực tham gia đấu tranh giành quyền dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, chống khủng bố, chống cưỡng ép vào các khu trù mật. Cuối tháng 10-1960, tại Sài Gòn xảy ra cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm nhưng không thành. Nhận thấy đây là cơ hội tốt cho cách mạng, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã chỉ đạo các lực lượng tấn công địch cả về chính trị, quân sự và trong đó chú trọng công tác binh vận đối với binh sĩ của địch. Vì vậy, trên Báo Chiến thắng và các tờ tin có bài viết dành cho binh sĩ trong quân đội Sài Gòn không làm tay sai cho giặc, không sát hại đồng bào mình, bán xương máu cho ngoại bang...

Mặc dù khó khăn, gian khổ và nguy hiểm là vậy, nhưng trong năm 1960, nhân kỷ niệm Ngày quốc tế lao động (1-5), sinh nhật Bác Hồ (19-5), Ngày Cách mạng tháng Tám (19-8) và Quốc khánh (2-9), Báo Chiến thắng đã cho ra các số báo đặc biệt, in 2 màu với nhiều bài viết sâu sắc, hấp dẫn. Từ tháng 9-1960 đến tháng 7-1961, tỉnh Thủ Biên được tái lập, tờ Báo Chiến thắng vẫn được duy trì, nhưng ở dưới măng-sét có ghi dòng chữ: Cơ quan ngôn luận của nhân dân tỉnh Thủ Biên. Số Báo Chiến thắng đầu tiên của tỉnh Thủ Biên được phát hành vào ngày 1-1-1961, với khổ in như cũ nhưng trình bày đẹp hơn, nội dung phong phú hơn. Chính vì vậy, báo Chiến thắng được cơ sở các nơi trong tỉnh hoan nghênh. Ngoài chuyên mục xã luận sắc bén, tin tức cũng phản ánh sinh động về phong trào đấu tranh của nhân dân trong tỉnh. Nhờ vậy, tờ báo được nhận định là sản phẩm tinh thần vô giá của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thủ Biên ngày đó.

Có thể khẳng định, báo chí cách mạng Thủ Dầu Một giai đoạn 1954-1960 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là bám sát nhiệm vụ chiến lược trong tỉnh, theo sát phong trào chung của báo chí cách mạng ở Nam Bộ, nhạy bén và kịp thời trong chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng đến với quân và dân trong tỉnh. Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, tờ “Đấu tranh cho hòa bình thống nhất Tổ quốc” đã quyết liệt trong việc cổ vũ phong trào đấu tranh đòi Mỹ - Diệm thi hành hiệp định, thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đáp ứng tinh thần yêu nước và nguyện vọng của nhân dân, tờ “Đấu tranh chống vụ thảm sát Phú Lợi” ra mắt đã kịp thời thổi bùng ngọn lửa căm thù trong nhân dân đối với chế độ tàn ác Mỹ - Diệm. Đặc biệt, Báo Chiến thắng ra đời là nguồn cổ vũ, động viên kịp thời quân và dân Thủ Dầu Một đẩy mạnh phong trào đồng khởi, giáng một đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ ở miền Nam, làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và làm thất bại chiến lược “chiến tranh đơn phương” của Mỹ - Diệm trên chiến trường miền Nam.

*Theo sách “Địa chí Bình Phước” và “Lịch sử Đảng bộ Bình Phước”.

  • Từ khóa
197890

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu