aA

Góc nhìn thẳng 08:26, 17/12/2021 GMT+7

Bằng chứng không thể phủ nhận

Diệp Viên
Thứ 6, 17/12/2021 | 08:26:49 438 lượt xem
BPO - Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đất nước ta đã và đang đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công tác đối ngoại. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, hiện Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả thành viên ASEAN. Đảng ta thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Kế thừa đường lối đối ngoại của các kỳ đại hội trước, tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng  đã khẳng định: Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Và cũng tại Đại hội XIII, Đảng đã chỉ rõ: Cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Thực hiện nghị quyết Đại hội XIII, hoạt động đối ngoại của nước ta trong năm 2021 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần to lớn vào việc củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển, nâng cao vị thế đất nước.

Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, năm 2021, Việt Nam đã trúng cử là thành viên vào 6 tổ chức quan trọng của Liên hợp quốc, đó là: Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025, Hội đồng Khai thác Bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới nhiệm kỳ 2022-2025, Hội đồng Thống đốc của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027, Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu rất cao (163/178). Đây là lần thứ 5 Việt Nam trúng cử thành viên hội đồng này.

Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tạo được nhiều đột phá quan trọng, từ đó đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mới đây, trong bài trả lời phỏng vấn báo chí, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Chúng ta đã tham gia và có quan hệ tốt đẹp với nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế - phát triển hàng đầu, như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đặc biệt, chúng ta đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA).

Riêng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Mặc dù Việt Nam ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng trong 11 tháng của năm 2021, đã có hơn 26 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rót vào Việt Nam và dự báo con số này tiếp tục tăng vào cuối năm nay. Đây là lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Nhiều địa phương có nguồn đầu tư FDI cao đang nỗ lực đồng hành với các doanh nghiệp bằng những chính sách, từ sản xuất duy trì nguồn lao động, cũng như hạn chế thấp nhất đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu hàng hóa. Điều này cũng khẳng định, Việt Nam vẫn là môi trường đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, Bình Phước đã thu hút được 70 dự án FDI với số vốn 600 triệu USD, tăng gấp 2 lần về số dự án và 3 lần về số vốn so với năm 2020, vượt 1,5 lần so với kế hoạch. Một Việt Nam năng động, đổi mới, trách nhiệm và uy tín đã, đang và sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư trên thế giới.

Kinh tế phát triển nhanh, vững chắc; tình hình chính trị ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại ngày càng phát triển…, đã đưa vị thế của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Và quan trọng hơn là Việt Nam đã đảm nhận thành công nhiều trọng trách quốc tế quan trọng. Đến nay, Việt Nam đang là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Đồng thời, chúng ta đã 2 lần làm Chủ tịch ASEAN (2010, 2020); Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) (2010, 2020). Đặc biệt, Việt Nam đã 2 lần trúng cử với số phiếu rất cao để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021) và 2 lần là nước chủ nhà APEC (2006 và 2017). Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và được quốc tế đánh giá cao.

Lẽ ra, thay vì tự hào và vui chung với những thành tựu rực rỡ mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đạt được thì các đối tượng thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị đã và đang ráo riết xuyên tạc, chống phá đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Chúng liên tục rêu rao rằng, nền ngoại giao của Việt Nam còn lạc hậu, đường lối bị động, hội nhập thiếu bản sắc nên bị hòa tan. Mặt khác, chúng tìm cách cản trở Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế, đồng thời chúng còn tác động, lôi kéo, mua chuộc các đối tác từ bên ngoài để gây sức ép, tác động vào bên trong đất nước. Thâm độc hơn, chúng ra sức lợi dụng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của nhân dân ta để kích động người dân tạo tâm lý “bài thoát” nước này hoặc “thân thiện” hay là “đồng minh” với quốc gia kia…

Mặc dù hiện đã có 71 quốc gia công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam nhưng thời gian gần đây, chúng vẫn ra sức chống phá, xuyên tạc rằng Việt Nam không có kinh tế thị trường. Chúng viện lý do ngớ ngẩn rằng, thế giới không có mô hình “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Và chúng cho rằng, “kinh tế thị trường” và “định hướng xã hội chủ nghĩa” là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau. Việc gán ghép định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường là duy ý chí, không khoa học và sẽ làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Từ cách nhìn thiện cận này, chúng quy chụp rằng, khi nào bỏ “cái đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa thì Việt Nam mới phát triển. Tuy nhiên, thực tiễn cách mạng Việt Nam đã và đang là bằng chứng hùng hồn để phủ nhận luận điệu xuyên tạc, bịa đặt và vạch trần bản chất xấu xa, bẩn thỉu của chúng.  

  • Từ khóa
134057

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu