aA

Báo chí Sông Bé, báo chí Bình Phước trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam 04:44, 12/06/2024 GMT+7

Về Bình Phước dự liên hoan nghiệp vụ báo chí

Bách Việt - Linh Giang
Thứ 4, 12/06/2024 | 04:44:08 1,180 lượt xem
BPO - Đến hẹn lại lên, mỗi năm vào dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, tôi lại viết bài tham gia Liên hoan Nghiệp vụ báo chí tỉnh Bình Phước. Sự kiện mở rộng, thu hút nhiều cây viết trong và ngoài tỉnh tham gia. Ấp ủ đề tài, năm nay tôi mời thêm nhà báo Linh Giang (từng là phóng viên của một tờ báo tại TP. Hồ Chí Minh) cùng tham gia.

Năm 2023, gần hết hạn nộp bài dự thi, tôi viết bài “Cho biên cương thêm xanh”, thể loại ghi chép, gửi tới liên hoan. Bài viết ghi nhận những nỗ lực vượt khó của người dân biên giới tỉnh Bình Phước, nhất là đồng bào dân tộc S’tiêng trong xây dựng và phát triển kinh tế. Cùng với đó là sự tận tụy trong công việc của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (đóng tại huyện Bù Gia Mập) để có một biên cương bình yên. Năm tháng trôi qua, có những chiến sĩ nguyện gắn bó trọn đời với phên giậu của Tổ quốc, như mệnh lệnh thôi thúc của trái tim. Niềm vui ập đến bất ngờ khi tôi nhận được thư mời tham dự liên hoan và trao giải thưởng. Do bận công việc nên tôi hẹn Ban tổ chức dịp khác sẽ lên.

Và rồi Liên hoan Nghiệp vụ báo chí tỉnh Bình Phước lần thứ 2, năm 2024 cũng đã đến. Nhiều ngày suy nghĩ, trăn trở về cuộc thi, những ý tưởng về một đề tài tâm đắc về Bình Phước có cơ hội thực hiện. Trước khi về phụ trách khu vực tỉnh Đồng Nai, tôi có thời gian dài phụ trách thông tin, tuyên truyền khu vực tỉnh Bình Phước nên có đôi chút am hiểu. “Làm đề tài gì đây” - câu hỏi đau đáu trong tôi. Anh bạn đồng nghiệp Linh Giang cũng hào hứng với câu chuyện tôi kể về liên hoan lần này. Anh chia sẻ: “Liên hoan rộng mở vậy, chú ở Bình Phước lâu, hiểu hơn anh nên triển khai thôi. Để anh thu xếp, tác nghiệp cùng với chú”. Sau nhiều ngày suy nghĩ, trong tôi lóe lên ý tưởng viết loạt bài “Nơi cuối đường Trường Sơn huyền thoại”. Nhưng thể loại phóng sự - ký sự cũng cần thời gian, gặp nhân vật, lấy tư liệu rồi phỏng vấn lãnh đạo các cấp nên tốn nhiều thời gian, công sức.

Tác giả Bách Việt (bìa trái) trong chuyến đi thực tế tại Bình Phước để viết loạt bài dự thi liên hoan

Khó khăn nữa là, thông tin thời sự ở địa bàn Đồng Nai - khu vực tôi phụ trách rất nhiều, lo mỗi khi rời địa bàn không thể tác nghiệp vì nghề báo thường chạy theo nhịp đập của cuộc sống. Nhịp đời có gì thì phóng viên phải đưa tin, nhất là thông tin thời sự quan trọng, khiến tôi cũng băn khoăn. Tôi phân vân: “Phải chọn ngày cuối tuần, hoặc những ngày ít thông tin thời sự quan trọng, em mới đi được”. Anh Linh Giang nói: “Cũng khó vì tin tức thời sự bất chợt, em xem cách nào vừa dự thi vừa đảm bảo công việc cơ quan giao phó”.

Dịp này, Văn phòng Báo Sài Gòn Giải Phóng khu vực Đông Nam Bộ thực hiện loạt bài “Theo dòng sông Bé”, ghi nhận công sức giữ rừng đầu nguồn của các cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập và những đóng góp của dòng sông Bé cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước - Bình Dương. Tôi xin phép lãnh đạo văn phòng rồi cùng anh Linh Giang trở lại Bình Phước. Trên đường đi, tôi hỏi: "Anh em mình kết hợp đi làm 2 loạt bài. Nhưng công việc nhiều quá, sao làm nhanh được”. Anh Linh Giang động viên: “Cố gắng lấy thông tin cơ bản, sau đó xin số điện thoại phỏng vấn, chứ không làm nhanh được đâu”.

Ý tưởng cho loạt bài đã xong, nhưng thực tiễn lại khác. Khi về Công ty cổ phần cao su Đồng Phú, mùa cạo mủ cao su đã kết thúc nên các nông trường vắng bóng người, chỉ có những cánh rừng cao su vừa qua mùa dưỡng lá. May mắn, tôi được lãnh đạo công ty cung cấp số liệu về kinh doanh, sản xuất và số điện thoại liên lạc của những công nhân có thành tích tốt đang làm việc trên nông trường, mới có đủ tư liệu cho bài viết. Sau khi lấy thông tin, tôi ngược về huyện Bù Đăng, cái hay là lãnh đạo, người dân quen biết khá nhiều nên việc tác nghiệp cũng thuận lợi. Anh Vũ Đức Hoàng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Đăng chia sẻ: “Đề cương em gửi, anh xem rồi. Muốn viết về Bom Bo, em gặp chú Điểu M’Riêng nhé. Chú ấy trước đây là Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, biết rất rõ về Bom Bo”. Trước khi chia tay anh Hoàng, tôi còn xin thêm ảnh, tư liệu về Bù Đăng, mừng nhất là trong máy tính của anh có sẵn báo cáo của UBND huyện về kinh tế - xã hội huyện khi cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) băng qua Bù Đăng. Tôi quay sang nói với anh Linh Giang: “Đề cương sát thực tiễn rồi, các anh huyện Bù Đăng chu đáo quá”, rồi chúng tôi trở về Bom Bo huyền thoại. Đường về xã Bom Bo được thảm nhựa láng bóng như quốc lộ 14 (đi qua huyện Bù Đăng). Anh Linh Giang cũng thích hát, nhưng đôi lúc còn quên lời, chia sẻ: “Công nhận bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” hay thật, âm thanh nghe rộn rã quá, nghe là muốn về thăm Bom Bo rồi”. Công việc tác nghiệp, ghi hình của hai anh em quá thuận lợi vì bác M’Riêng chia sẻ tất cả những gì bác biết. Bác cũng tự hào người S’tiêng vẫn giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng, xóa bỏ những hủ tục, hăng say lao động, áp dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nên cuộc sống ngày một vươn lên, nhiều hộ giàu có, dư dả. 

“Về Phước Long được mệnh danh là “thủ phủ” chế biến, xuất khẩu điều, nhớ chọn nhân vật điển hình nhé”. Đó là lời dặn dò của các anh chị đồng nghiệp khi tôi về thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Qua tài liệu lịch sử, tôi biết được Phước Long là tỉnh lỵ đầu tiên ở miền Nam được giải phóng (ngày 6-1-1975). Mừng nhất là tôi được gặp cô Bảy Tuyết, bác Ba Ngoan, được nghe kể về những năm tháng chiến đấu gian khổ để có một Phước Long giàu đẹp như hôm nay. 

Viết tiếp trang sử hào hùng, Phước Long có doanh nhân trẻ, tài ba Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe ở phường Phước Bình, với ước mơ nâng tầm giá trị, đưa hạt điều Bình Phước ra thị trường trong và ngoài nước. Phước Long có những con đường bàn cờ được quy hoạch bài bản, được tô điểm bởi hồ Long Thủy quanh năm mát trong, xua tan sự oi ả của tiết trời nắng nóng. Đó còn là một Phước Long kiêu hãnh với núi Bà Rá hiên ngang, hùng vĩ trường tồn với thời gian. Một kho tàng tư liệu đồ sộ mà kiến thức của mình thì quá mỏng, nhưng điều đáng quý là các anh ở Văn phòng UBND thị xã, các phòng chuyên môn rất nhiệt tình cung cấp tài liệu, giới thiệu, chỉ đường để tôi có thể gặp được nhân vật, các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình phục vụ bài viết.

Rời thị xã Phước Long, chúng tôi về huyện Lộc Ninh. Không chỉ là vùng đất giáp biên giới Vương quốc Campuchia, nơi đây giống như “bảo tàng sống” đang kể cho thế hệ mai sau về lịch sử cha ông thuở trước. Tôi đến thăm các di tích lịch sử như Căn cứ Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết, Sân bay Lộc Ninh, Nhà giao tế, nơi dừng chân của cựu Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen. “Con mắt nghề” cũng khiến chúng tôi băn khoăn vì một số di tích như Bệnh viện Lộc Ninh được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đến nay chưa được đầu tư để thu hút khách du lịch, Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư cũng chưa phát triển đúng tầm do còn nhiều nguyên nhân. Anh Linh Giang tâm tư: “Vùng đất biên cương này có nhiều điều anh em ta chưa khám phá, chắc hẹn dịp sau. Mong rằng trong tương lai, không chỉ huyện Lộc Ninh mà tỉnh Bình Phước sẽ ngày một giàu đẹp hơn, để xứng đáng với danh xưng “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Như thường lệ, Liên hoan Nghiệp vụ báo chí tỉnh Bình Phước lần thứ 2 đã đến, đúng dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, thôi thúc tôi lên đường tác nghiệp.

  • Từ khóa
198720

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu