aA

Báo chí Sông Bé, báo chí Bình Phước trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam 09:43, 20/06/2024 GMT+7

KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2024)

Những người làm báo đăng ký hiến tạng cứu người

Lệ Quyên
Thứ 5, 20/06/2024 | 09:43:43 832 lượt xem
BPO - Với tâm niệm “cho đi là còn mãi”, thời gian qua, hàng chục ngàn người trên cả nước đã tình nguyện đăng ký hiến mô, hiến tạng cho ngành y tế để cứu người, trong đó có cả những người làm báo. Hành động của họ có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo thêm niềm tin, sức mạnh để nhiều người cùng vượt qua những băn khoăn, rào cản, thực hiện nghĩa cử cao đẹp, nhân văn.

Trăn trở khi chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh bệnh nhân vì không được ghép tạng mà phải chết, nên 20 năm về trước, chị Nguyễn Thị Kim Anh, biên tập viên Phòng Văn nghệ - Giải trí - Quốc tế, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã quyết định đăng ký hiến mô, tạng cho ngành y tế để cứu người.

Biên tập viên Nguyễn Thị Kim Anh chia sẻ, sao chúng ta không chọn cách để “sự sống” được kéo dài và ý nghĩa giúp nhiều người được “hồi sinh”?

Chị Kim Anh kể, năm 2000, khi chăm mẹ bị tai biến, điều trị dài ngày ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), thấy nhiều người bị chết não, tử vong do tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người cần giác mạc, cần tạng nhưng không có. Gánh nặng tâm lý đè lên các thành viên trong gia đình họ. Lúc đó, chị nhen nhóm ý định hiến tạng. Rồi chị tìm hiểu và quyết định đăng ký.

“Người Việt chúng ta thường có quan niệm, chết thì mồ yên, mả đẹp và mọi thứ phải vẹn toàn cho người đã mất. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ rằng, cha mẹ cho chúng ta hình hài, máu thịt. Nhưng cuộc sống là do chúng ta quyết định. Vì vậy, nếu mất đi mà chúng ta vẫn có thể hiến mô, hiến tạng… là góp phần giúp người khác được hồi sinh, thì cũng giống như chúng ta được hồi sinh. Và tôi nghĩ, đó cũng là một hình thức trả ơn cha mẹ mình” - chị Kim Anh bộc bạch.

Trong suốt 20 năm qua, chưa khi nào chị hối hận về quyết định đăng ký hiến tạng, mà ngược lại, thấy tâm hồn luôn thoải mái. “Khi mình mất đi, thân xác hòa vào với đất thì cũng thành đất. Vậy tại sao mình lại để nó tan biến như thế? Sao mình không hiến một phần cơ thể cho những người cần để duy trì cuộc sống của họ” - chị Kim Anh vui vẻ chia sẻ.

Hiện ở BPTV có 4 người tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng cho ngành y tế với hy vọng, nếu như không may mình bị chết não hoặc qua đời, thì những bộ phận trên cơ thể sẽ giúp người khác kéo dài sự sống để tiếp tục cống hiến cho đời. Đó cũng là suy nghĩ của biên dịch viên Lâm Chia, Phòng Chuyên mục - Chuyên đề, khi anh quyết định thực hiện nghĩa cử này cách đây 2 năm.

Không chỉ đăng ký hiến tạng, anh Lâm Chia còn nhận đỡ đầu một sinh viên thực hiện ước mơ học hết đại học

Anh cho biết, ban đầu cha mẹ anh chưa hiểu nên không đồng ý, nhưng khi anh phân tích, giải thích rõ thì cha mẹ đã hiểu và ủng hộ. “Tôi muốn thay đổi tư duy, suy nghĩ, quan niệm của người Á Đông liên quan đến việc này. Nếu chúng ta mất đi, đem chôn hay hỏa thiêu rồi cũng không còn gì, thì tại sao ta không đăng ký hiến tạng để khi mất đi vẫn có ý nghĩa cho xã hội, cho ai đó” - anh Lâm Chia bày tỏ.

Ấp ủ mong muốn thực hiện đăng ký hiến tạng đã lâu, song chị Phạm Thị Yến, công tác ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Phú Riềng vẫn băn khoăn vì sợ gia đình không đồng ý. Thế nhưng, khi biết cả mẹ và chị gái của mình cũng có tâm nguyện ấy, nên sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động đăng ký hiến mô, tạng, chị đã quyết định tham gia.

Chị Phạm Thị Yến đăng ký hiến tạng với tâm niệm “cho đi là còn mãi”

Chị cho biết, đó cũng là cách để bản thân có thêm kỷ niệm đẹp về tháng 6 - tháng có ngày “tết” của người làm báo. Chị Yến bộc bạch: “Khi được cán bộ y tế huyện cung cấp mẫu đơn, tôi đã viết và gửi đi. Tôi thấy rất vui và hạnh phúc vì làm được điều gì đó có ý nghĩa cho đời”.

Trong thời gian qua, nhiều nhà báo, phóng viên trên cả nước tích cực đăng ký hiến mô, tạng, hiến xác... Từ các cơ quan báo chí lớn đến những người làm báo địa phương, họ muốn góp sức mình để hòa vào dòng chảy nhân ái, với quan niệm: Dù mình mất đi nhưng có thể đem lại cuộc sống mới cho người khác. Đó cũng là cách để lòng nhân ái tiếp tục được nhân lên, được lan tỏa để cuộc sống này luôn tươi đẹp.

  • Từ khóa
199301

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu